Thâu tóm chuỗi nhà thuốc Việt
Mới đây, Dongwha Pharm, công ty dược phẩm của Hàn Quốc thông báo rằng họ đã ký một thỏa thuận mua lại 51% cổ phần của Trung Sơn Pharma, chuỗi nhà thuốc hàng đầu tại Việt Nam, trong một giao dịch tiền mặt trị giá khoảng 30 triệu USD.
Dongwha Pharm đã lên kế hoạch mua lại khoảng 12,15 triệu cổ phiếu của Trung Sơn. Việc mua lại, dự kiến sẽ vào ngày 31 tháng 10, nhằm mục đích đa dạng hóa hoạt động của Dongwha thông qua các khoản đầu tư hơn nữa.
Chuỗi nhà thuốc Trung Sơn Pharma của Việt Nam được thành lập vào năm 1997, quản lý hơn 140 chuỗi cửa hàng dược phẩm ở miền Nam Việt Nam và báo cáo doanh thu khoảng 568 triệu USD vào năm ngoái, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh mẽ 46% kể từ năm 2019. Công ty cung cấp nhiều loại thuốc các sản phẩm bao gồm thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn, thực phẩm bổ sung sức khỏe, mỹ phẩm, thiết bị y tế và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp (H&B).
Với hơn 1.000 dược sĩ, Trung Sơn đã mở rộng đáng kể số lượng cửa hàng từ con số 23 vào năm 2018 lên hơn 140 vào năm ngoái. Chuỗi nhà thuốc này đang kỳ vọng vào sự hợp tác với Dongwha Pharm có thể đem lại một động lực tăng trưởng mới, tăng cường hơn nữa sự hiện diện bán lẻ của họ lên 460 cửa hàng vào năm 2026.
Trong khi đó, Dongwha Pharm là một công ty dược phẩm hàng đầu của Hàn Quốc, công ty được thành lập vào năm 1970, chuyên tham gia sản xuất và phân phối các loại thuốc và dược phẩm bao gồm thuốc điều trị hệ tiêu hóa, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị bệnh tim mạch và chuyển hóa, thuốc chống viêm không steroid, thuốc chữa bệnh hô hấp, thuốc giãn cơ, thuốc chữa bệnh hệ thần kinh, thuốc chữa bệnh da liễu và thuốc chữa bệnh tiết niệu.
Tiềm năng thị trường dược Việt Nam
Có thể nói, bất kể làn sóng suy thoái kinh tế đang diễn ra trên toàn cầu, thị trường dược phẩm Việt Nam vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong nhiều năm tới. Theo phân tích dự báo từ WHO và Fitch Solution, đến năm 2026 doanh thu từ dược phẩm tại Việt Nam sẽ cán mốc 216.4 ngàn tỷ đồng.
Trong đó, động lực tăng trưởng chính của ngành dược phẩm đến từ sự thay đổi trong cơ cấu chi tiêu của người dân. Fitch Solution dự đoán mức chi tiêu bình quân đầu người cho dược phẩm sẽ tăng mạnh từ 1.5 triệu đồng năm 2021 lên 2.1 triệu đồng vào năm 2026. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn khá nhiều so với mức trung bình của thế giới. Vì vậy, thị trường Dược phẩm Việt Nam vẫn còn rất nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.
Trên thực tế, xu hướng già hóa dân số, vốn đầu tư quốc tế cùng các chính sách tích cực từ Chính phủ đang là ba động lực chính cho sự phát triển của thị trường dược phẩm Việt Nam trong thời gian tới. Theo World Bank, số lượng người dân Việt Nam trên 65 tuổi sẽ tăng trưởng nhanh chóng (vượt 15% dân số vào năm 2039), kéo theo nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tăng cao. Bên cạnh đó, mức thu thập của người Việt đang ngày càng cao tăng cao, tạo điều kiện cho nhu cầu và chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe cũng phát triển nhiều hơn.
Từ đó, nhu cầu của người tiêu dùng đối với các sản phẩm phòng bệnh, bổ trợ sức khỏe như Vitamin, thuốc bổ,… đã tăng trưởng mạnh sau đại dịch, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các kênh phân phối ngoài bệnh viện, điều này cũng thúc đẩy sự tăng trưởng mạnh mẽ của các cửa hàng bán lẻ dược phẩm.
Theo một thống kê cho thấy, các nhà thuốc, chuỗi bán lẻ dược phẩm đang chiếm đa số với 70.2% thị phần bán thuốc ngoài bệnh viện. Trong đó, sự phát triển của các thương hiệu lớn như: FPT Long Châu, Pharmacity, An Khang, Dr.Win,… đang thay đổi đáng kể cục diện của thị trường bán lẻ dược phẩm.
Với Dongwha Pharm, khi thâm nhập thị trường Việt Nam, họ bày tỏ kế hoạch sẽ “đánh chiếm” thị trường dược tại đây với danh mục thuốc không kê đơn như Whal Myung Su, Each Paste và Pancold. Ngoài ra, do nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm liên quan đến vitamin, hồng sâm và các sản phẩm làm đẹp tại Việt Nam, Dongwha có kế hoạch tăng cường cung cấp sản phẩm của mình với các sản phẩm bổ sung sức khỏe và mỹ phẩm.
“Thương vụ mua lại này là một bước quan trọng hướng tới việc mở rộng chiến lược của chúng tôi sang thị trường dược phẩm và làm đẹp Đông Nam Á”, một nguồn tin của Dongwha cho biết. “Chúng tôi sẵn sàng khẳng định mình là người dẫn đầu trong lĩnh vực K-Pharma và H&B”.
Nhìn chung, thị trường dược phẩm Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể đón đầu cơ hội này, các doanh nghiệp cần nhanh chóng nắm bắt các xu hướng tiếp thị, mới đáp ứng những thay đổi trong xu hướng hành vi của người tiêu dùng. Liệu với kinh nghiệm và tiềm năng của mình, Dongwha Pharm có thể khẳng định mình trong thời gian tới?