PGS. TS Bùi Quang Tuấn - Viện Kinh tế Việt Nam đánh giá: trong chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, Việt Nam đang đi cùng thế giới về mặt tư duy, nhận thức. Đây là điều đáng mừng. Quan trọng hơn, đến nay Việt Nam đã ban hành khung pháp lý tương đối hoàn chỉnh về tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn… với nhiều thể chế, chính sách về chuyển đổi xanh như: Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược về biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh; Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Quy hoạch điện VIII…
Tuy nhiên, tổng kết giai đoạn 2011 - 2020 thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, theo TS. Bùi Quang Tuấn, các hoạt động thực thi chưa đạt như mong muốn. Vì vậy, trong giai đoạn từ 2021 - 2030, cần tập trung rà soát những vướng mắc để thúc đẩy thực thi Chiến lược để không lặp lại những hạn chế của giai đoạn trước.
Đề cập đến những thách thức trong chuyển đổi xanh, TS. Bùi Quang Tuấn cho rằng, thách thức lớn nhất là năng lực thực thi chủ trương, chính sách của chúng ta còn hạn chế.
Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực rất lớn. Theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh là cần thiết.
Nhiều ngân hàng và tổ chức tín dụng đã xây dựng các gói tín dụng xanh song hiện nay dư nợ tín dụng với các dự án xanh chỉ chiếm từ 4-5% tổng dư nợ tín dụng - một con số khiêm tốn chưa tương xứng với tiềm năng và với nhu cầu huy động vốn cho chuyển đổi xanh.
Thứ hai, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, tham gia thị trường tín dụng xanh còn hạn chế. Theo chuyên gia kinh tế, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh xác định công nghệ đóng vai trò quan trọng trong chuyển đổi xanh. Thế nhưng, thay thế máy móc hay một thế hệ công nghệ tại doanh nghiệp rất tốn kém. Nếu không có chính sách tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi sẽ rất khó cho doanh nghiệp.
Ngược lại, với công cụ tài chính hấp dẫn sẽ thu hút được doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn, tham gia tích cực hơn vào thị trường này. Do vậy, cần cụ thể hoá chính sách, cơ chế để tăng sức hấp dẫn với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chuyển đổi xanh.
Thứ ba, cần có nền tảng công nghệ cho chuyển đổi xanh. Tại cấu phần thứ 2 của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Kế hoạch hành động nhấn mạnh: xanh hoá sản xuất có vai trò quan trọng. Trong đó, các nội dung bao gồm thay đổi cơ cấu năng lượng, giảm phát thải, thực hiện kinh tế tuần hoàn cũng như các mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… đều liên quan đến công nghệ.
Tuy nhiên, theo TS. Bùi Quang Tuấn, đầu tư cho công nghệ từ cấp độ quốc gia hiện chưa đủ, đâu đó rơi vào khoảng 0,52 - 0,6% GDP. Trong khi các quốc gia khác, đầu tư cho công nghệ trung bình khoảng 2,2% GDP. Thực tế này khiến cho việc hỗ trợ chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp chưa được mạnh mẽ.
Chưa kể, chuyển đổi xanh còn liên quan đến nhận thức của xã hội trong việc thúc đẩy tiêu dùng xanh, tạo động lực khuyến khích các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn môi trường, sức khoẻ… Cùng với đó, cơ cấu tín dụng cho dự án xanh tập trung vào năng lượng và nông nghiệp (chiếm gần 70% dư nợ tín dụng), còn nhiều lĩnh vực khác như xây dựng, giao thông, quản lý chất thải… chưa có dự án tiếp cận tín dụng xanh.
Do đó, có 2 vấn đề đặt ra: quy mô thị trường tín dụng xanh còn nhỏ, các dự án nằm trong danh sách phải chuyển đổi xanh chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực, còn các lĩnh vực khác cũng rất quan trọng, nhất là chế biến chế tạo lại chưa thấy nhiều. Trong khi lĩnh vực này lẽ ra phải đi đầu, vì đây là lĩnh vực đột phá.
Cuối cùng, dù chuyển đổi xanh đã đến “cửa ngõ”, là xu thế phát triển tất yếu của nền kinh tế và doanh nghiệp nhưng vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức. TS. Bùi Quang Tuấn đánh giá, truyền thông hiện chưa đủ để nâng cao nền tảng nhận thức, góp phần hình thành văn hoá chuyển đổi xanh từ các nhà quản lý đến các địa phương, tổ chức.