Ông Trần Ngọc Cường - Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu may Hồng Thái chia sẻ, Công ty chuyên gia công sản phẩm may mặc xuất khẩu sang các nước châu Âu và Mỹ. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những quý 1/2024 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Để có những đơn hàng dài kỳ Công ty đã đề ra những khẩu hiệu: “Hàng không lỗi sẽ có năng suất cao, thu nhập tốt”; “Quyết tâm thực hiện 3 không: không làm ra hàng lỗi, không giao hàng lỗi cho QC, không xuất hàng lỗi cho khách hàng”... được gắn xung quanh nhà xưởng. 

Doanh nghiệp dệt may Thái Bình vượt khó

Doanh nghiệp thi đua sản xuất, kinh doanh (Ảnh minh họa)

Theo ông Cường, với những doanh nghiệp mới thành lập như chúng tôi rất thấu hiểu việc “lăn lộn” tìm kiếm đơn hàng. Khi vừa có đơn hàng thì doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh kéo dài, chưa kể ảnh hưởng của suy thoái kinh tế thế giới. Vì vậy, khi có đơn hàng, từ lãnh đạo đến người lao động trong Công ty đều phải cố gắng tạo dựng uy tín.

"Chúng tôi yêu cầu mỗi người lao động phải cẩn trọng trong mọi công đoạn, hạn chế thấp nhất hàng lỗi. Để khuyến khích người lao động Công ty cũng đưa ra mức thưởng, phạt rõ ràng. Trong quá trình sản xuất, người lao động có những sáng kiến đổi mới về kỹ năng, công nghệ để nâng cao năng suất, Công ty sẽ có những phần thưởng tùy theo mức độ làm lợi cho doanh nghiệp" - ông Cường nói - "Nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của người lao động, đến nay Công ty đã ký đơn hàng đến hết tháng 5/2024, duy trì mức thu nhập ổn định từ 8 - 9 triệu đồng/người/tháng nên mọi người rất phấn khởi và quyết tâm". 

Ông Phạm Văn Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May HNF chia sẻ, hiện công ty có hơn 300 công nhân và để doanh nghiệp duy trì việc làm ổn định cho người lao động phải nâng cao chất lượng sản phẩm, khẳng định uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng. Trong thời điểm khó khăn, mỗi doanh nghiệp đều có chiến lược riêng. Chúng tôi luôn khuyến khích người lao động đổi mới sáng tạo song phải bảo đảm kỹ, mỹ thuật.

Doanh nghiệp dệt may Thái Bình vượt khó

Các doanh nghiệp phải thực hiện nhiều giải pháp để có đơn hàng như giảm giá thành, mở rộng mặt hàng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm...

Nhận định về ngành dệt may trong thời gian tới, ông Trần Ngọc Cường thông tin sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong bối cảnh chi phí đầu vào tăng cao, mặt bằng lãi suất cho vay đối với doanh nghiệp vẫn ở mức cao, ách tắc về giải ngân vốn… đang khiến cho ngành dệt may và các ngành sản xuất khác khó có thể đạt được hiệu quả. Cùng với tìm kiếm đơn hàng, Công ty đầu tư máy móc hiện đại, phát động phong trào thi đua tăng năng suất lao động, có cơ chế khuyến khích thưởng theo quý, theo tháng, thậm chí thưởng theo tuần để công nhân có động lực phấn đấu.

Ông Phạm Văn Tuấn - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần May HNF cho biết, nhiều doanh nghiệp đang tập trung vào công tác thị trường, tái định vị lại khách hàng của mình và tái định vị lại các sản phẩm, hướng tới thị trường nội địa để vượt qua khó khăn. Năm 2024, Công ty quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng doanh thu khoảng 10%. Để làm được điều này, chúng tôi sẽ không ngừng mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm nhà máy, nâng cao tay nghề cho người lao động. Do đó, doanh nghiệp rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương

Theo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, năm 2024 dự báo tiếp tục là năm khó khăn đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực may mặc trong việc tìm kiếm đơn hàng. Xác định được khó khăn đó, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực phát động các phong trào thi đua trong sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao tay nghề cho người lao động..