Cam kết giảm phát thải, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững trở thành yếu tố thúc đẩy tăng trưởng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp nói chung và nền kinh tế trên “sân chơi” hội nhập toàn cầu. Tại COP26, Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu Netzero vào năm 2050, trong đó, có nhiều chính sách phát triển công trình xanh.

Ghi điểm thêm cho phát triển bền vững từ công trình xanh

Chuyên gia về công trình xanh của IFC Vũ Hồng Phong (ảnh: H.L)

Các chứng nhận công trình xanh thường xuất phát từ hội đồng công trình xanh của các nước. Đây là những tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích thúc đẩy công trình xanh  như Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ, Hội đồng Công trình xanh Việt Nam… Chứng nhận/chứng chỉ công trình xanh không có tính bắt buộc tuân thủ mà các bên thấy lợi ích, giá trị sẽ tự nguyện đăng ký và thực hành.

Về bản chất là tự nguyện nhưng thời gian gần đây, số lượng công trình xanh tại Việt Nam tăng nhanh. Đặc biệt, hiện nay, công trình xanh không chỉ là lợi thế của riêng các nhà phát triển bất động sản. Trong “chuyến tàu xanh”, những doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác như sản xuất công nghiệp xuất khẩu, kinh doanh nhà hàng… đều có thể “ghi điểm” thêm cho phát triển bền vững từ công trình xanh.

Ông Vũ Hồng Phong - Chuyên gia về công trình xanh của Tổ chức tài chính quốc tế (IFC), thành viên của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam nhấn mạnh: Công trình xanh không chỉ khẳng định thương hiệu, lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm bất động sản trên thị trường. Nhìn rộng hơn, với các nhà phát triển bất động sản khu công nghiệp sinh thái, các công trình xanh còn đang trở thành lợi thế thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp vì mang lại lợi ích trong việc vận hành và nền tảng phát triển chuỗi sản phẩm, chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, công trình xanh là yếu tố của phát triển bền vững nên khi đạt chứng nhận, trở thành người tiên phong các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn xanh, thu hút nguồn lực từ các quỹ đầu tư hay có nhiều lợi thế trong quảng bá sản phẩm, dịch vụ…

Trên thế giới có khá nhiều loại chứng chỉ công trình xanh. Tại Việt Nam phổ biến hiện nay là chứng nhận EDGE (của WB), LEED (Hoa Kỳ), Green Mark (Singapore), Lotus (Việt Nam)…  Trong đó, EDGE được chấp nhận trong nhiều bộ tiêu chuẩn tài chính xanh quốc tế cho công trình xanh nên theo đánh giá của các chuyên gia, EDGE là cách tiếp cận phù hợp cho những chủ đầu tư mới, muốn vay vốn tài chính xanh để phát triển bền vững.

Ghi điểm thêm cho phát triển bền vững từ công trình xanh

Một trong những trung tâm bán lẻ lớn tại Hà Nội cũng là một công trình tiêu biểu

Thông tin thêm về nội dung này, ông Vũ Hồng Phong chia sẻ: tỷ lệ dự án công trình xanh trong các lĩnh vực may mặc, da giày đang ngày càng nhiều hơn. Khách hàng và chuỗi cung ứng là hai yếu tố mạnh mẽ nhất tạo áp lực khiến doanh nghiệp Việt  ngày càng quan tâm triển khai công trình xanh, nhất là trong bối cảnh lợi thế về lao động không còn là yếu tố hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.

Khi doanh nghiệp đầu chuỗi đã xanh hoá quy trình sản xuất thì các doanh nghiệp khác nằm trong chuỗi cung ứng, gia công sản phẩm cũng phải đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu của hãng, trong đó có các tiêu chuẩn xanh. Không đáp ứng được đòi hỏi xanh, doanh nghiệp có thể dễ dàng mất đơn hàng. Điển hình cho câu chuyện này là tập đoàn sản xuất toàn cầu mang thương hiệu Nike đang có chuyển động mạnh mẽ theo hướng xanh hoá.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, nghỉ dưỡng… bắt đầu có sự quan tâm đến công trình xanh. Các quỹ tài chính, quỹ đầu tư cũng vậy, mong muốn đầu tư vào các lĩnh vực xanh. Theo thông tin được ông Vũ Hồng Phong chia sẻ: thêm một ngân hàng lớn trong nhóm “Big4” tại Việt Nam đã xem xét đưa công trình xanh vào gói tài chính xanh trị giá 5.000 tỷ đồng giúp các doanh nghiệp, cá nhân có thể tiếp cận nguồn vốn xanh cho phát triển bền vững.