Bộ GTVT đang lấy ý kiến cho dự thảo Thông tư quy định cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển. Dự thảo Thông tư quy định cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam, bao gồm quy định giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải và khung giá dịch vụ sử 2 dụng cầu, bến, phao neo và giá dịch vụ bốc dỡ container; giá dịch vụ lai dắt.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, sau khi Luật Giá có hiệu lực, Thông tư số 39/2023 của Bộ GTVT ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng, cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam sẽ phải sửa đổi cho phù hợp với Luật Giá mới.
Do đó, Bộ Giao thông vận tải dự thảo Thông tư quy định cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam nhằm bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật giá năm 2023 và các văn bản quy phạm khác có liên quan, các quy định của công ước, điều ước quốc tế.
Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đề xuất sửa đổi cơ sở tính giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải (thay vì khung giá). Lý do sửa đổi, theo Bộ Giao thông vận tải, Luật Giá năm 2023 giao Bộ Giao thông vận tải định giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải (không quy định giá tối thiểu), do vậy dự thảo Thông tư đề xuất sửa cơ sở tính giá tối đa dịch vụ hoa tiêu cho phù hợp với quy định mới.
Bên cạnh đó, nội dung về khung giá, giá tối đa sẽ được ban hành bằng quyết định hành chính và nội dung quy định về cơ chế, chính sách, cơ sở tính giá sẽ được ban hành bằng thông tư.
Thông tư ban hành bảo đảm phù hợp, thống nhất với các quy định của luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Giá năm 2023 và các văn bản quy phạm khác có liên quan, các quy định của công ước, điều ước quốc tế.
Đối với những nội dung sửa đổi, thông tư quy định cơ sở tính giá, cơ chế quản lý giá, từ đó làm cơ sở cho Bộ GTVT ban hành Quyết định về khung giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container, dịch vụ lai dắt tại cảng biển và giá tối đa dịch vụ hoa tiêu hàng hải.
"Tuy nhiên, để ổn định nội dung của Thông tư số 39/2023 mới được Bộ GTVT ban hành ngày 25/12/2023, dự thảo Thông tư quy định cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam giữ nguyên những nội dung còn phù hợp của Thông tư số 39/2023, chỉ điều chỉnh một số nội dung cho phù hợp với quy định của Luật Giá năm 2023 và các văn bản liên quan", Cục Hàng hải Việt Nam nhấn mạnh.
Dự thảo Thông tư cũng bổ sung nội dung về cơ chế quản lý giá, trong đó quy định nhiệm vụ và trách nhiệm một số cơ quan.
Cụ thể, bổ sung trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam và trách nhiệm của tổ chức cá nhân cung ứng dịch vụ để tăng cường công tác quản lý giá tại cảng biển và phù hợp với nội dung của thông tư là quy định cơ chế quản lý giá dịch vụ tại cảng biển.
Tiêu biểu, trong cơ sở tính giá dịch vụ bốc dỡ container, dự thảo quy định khung giá dịch vụ bốc, dỡ container được quy định cho container hàng hóa thông thường có kích thước 20 feet, 40 feet và trên 40 feet.
Giá dịch vụ bốc, dỡ đối với container hàng hóa quá khổ, quá tải, container chứa hàng nguy hiểm, container có yêu cầu bốc dỡ, chất xếp, bảo quản đặc biệt mà phát sinh thêm chi phí, khung giá áp dụng không vượt quá 150% khung giá do Bộ trưởng Bộ GTVT quy định.
Trường hợp doanh nghiệp cảng biển phải bố trí thêm các thiết bị chuyên dùng để hỗ trợ việc bốc, dỡ hàng hóa, giá dịch vụ của thiết bị phát sinh do hai bên tự thỏa thuận.
Đối với các tuyến container mới tại các bến cảng Khu vực II và các bến cảng thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, doanh nghiệp cảng được phép áp dụng khung giá dịch vụ bốc dỡ container bằng 80% khung giá do Bộ trưởng Bộ GTVT quy định trong thời hạn 3 năm kể từ ngày chính thức mở tuyến mới.
Dự thảo quy định mới cũng bỏ nội dung chia cảng biển theo vĩ tuyến, mà chỉ phân chia theo tên cảng biển. Lý do để phù hợp với phân chia cảng biển theo Quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam, đồng thời để tránh chồng lấn về địa lý do một cảng biển có thể nằm tại hai vĩ tuyến khác nhau (như cảng biển khu vực Bình Thuận). Nội dung điều chỉnh không ảnh hưởng đến khung giá của các khu vực cảng biển.