Theo bà Thương, giảm phát thải và đầu tư cho chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải và hậu cần là một trong những chiến lược quan trọng của Nestlé Việt Nam.
- Logistics xanh và ứng dụng chuyển đổi số trong vận tải đang là xu hướng trên thế giới. Vậy, Nestlé Việt Nam đã triển khai chương trình này như thế nào, thưa bà?
Logistics đóng vai trò rất quan trọng trong toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp. Logistics được ví như “xương sống” đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng, cũng như vận chuyển nguyên liệu đến các nhà máy sản xuất.
Với xu hướng hiện nay, sản xuất xanh, chuyển đổi xanh và logistics xanh đã trở thành một xu thế bắt buộc. Điều này không chỉ đến từ nhu cầu của các doanh nghiệp trong cam kết của mình về giảm rác thải, mà còn đến từ yêu cầu bắt buộc bởi các cơ quan quản lý nhà nước trong nước và các nước trên thế giới. Đặc biệt, là những thị trường khó tính như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản…
Đối với Nestlé Việt Nam, chúng tôi cam kết đến năm 2050 sẽ đạt được phát thải ròng bằng “0”. Trong đó, toàn bộ chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị từ thu mua nguyên liệu đến việc đưa hàng hoá đến tay người tiêu dùng Nestlé đều tính toán từng công đoạn và xem phát thải diễn ra như thế nào. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến giảm thiểu hiệu quả phát thải trong từng công đoạn.
Cụ thể, với thượng nguồn chuỗi cung ứng, đó là thu mua nguyên vật liệu chiếm tỉ trọng lớn nhất trong phần phát thải của Nestlé. Do đó, chúng tôi tập trung đầu tư rất lớn cho việc tìm ra các sáng kiến giảm thiểu phát thải carbon hiệu quả nhất.
Như vậy, muốn chuyển sang cung ứng xanh, vận tải xanh đầu tiên doanh nghiệp phải có định hướng chiến lược. Sau đó tiến hành triển khai đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ và kết nối với các bên.
Nestlé là một nhà sản xuất, chúng tôi làm việc với các nhà cung cấp và các đối tác vận tải để cùng nhau triển khai sáng kiến số hoá. Việc chuyển đổi xanh liên quan đến việc sử dụng một cách tối ưu nguồn lực, từ khối lượng vận tải, chặng đường vận tải, tỉ trọng vận tải… đây là những công đoạn giúp giảm phát thải hiệu quả nhất. Việc ứng dụng số hoá là vấn đề cốt lõi để thực hiện chuyển đổi xanh.
Giảm phát thải và đầu tư cho chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải và hậu cần là một trong những chiến lược quan trọng của Nestlé Việt Nam. Những sáng kiến tiêu biểu có thể kể đến, như ứng dụng thông minh “Cargoo” nhằm kết nối nhà sản xuất với nhà nhập khẩu và các hãng tàu, góp phần tăng hiệu suất đóng hàng, giảm chi phí vận tải biển từ năm 2022.
Ứng dụng thông minh trong quản lý kho và vận chuyển “Transportation-Hub” giúp tối ưu hóa việc phân bổ đơn hàng và giảm phát thải trong hoạt động vận tải. Việc chuyển đổi số trong logistics sẽ giúp cho doanh nghiệp và các bên liên quan tối ưu hoá được chi phí, đặc biệt là giảm thiểu được “dấu chân” carbon trong quá trình vận hành của doanh nghiệp.
- Hoạt động xuất khẩu của Nestlé Việt Nam có bị tác động từ những biến động trên thế giới hiện nay hay không, thưa bà?
Những biến động trên thế giới thời gian qua khiến cho người tiêu dùng phải thay đổi sự ưu tiên, gói tiêu dùng sẽ bị thu hẹp hơn. Việc này tác động không chỉ với ngành café mà đến tất cả các ngành hàng cũng bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, sự quan tâm của người tiêu dùng đối với các sản phẩm có tác động tích cực với môi trường thì ngày càng tăng lên, mặc dù gói chi tiêu của người tiêu dùng đang bị thắt chặt lại.
Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội cho các nhà xuất khẩu của Nestlé chuyển đổi, đầu tư vào phát triển nguồn nguyên liệu, chuỗi cung ứng, vận tải theo hướng xanh và sạch.
Vì khi các thị trường khó tính đưa ra các rào cản kỹ thuật và pháp lý cao hơn, nhưng nếu doanh nghiệp chuẩn bị tốt để đáp ứng các tiêu chí đó thì sẽ có được cơ hội cạnh tranh tốt hơn đối với những quốc gia khác. Đây cũng là điều mà Nestlé kỳ vọng Việt Nam sẽ thực hiện được.
- Bà có thể chia sẻ về chiến lược kinh doanh của Nestlé Việt Nam trong thời gian tới?
Trong nhiều năm qua, Nestlé Việt Nam luôn ở trong danh sách doanh nghiệp xuất khẩu uy tín do Bộ Công Thương ban hành. Với chiến lược đầu tư dài hạn tại Việt Nam, Nestlé đã có mặt tại Việt Nam gần 30 năm và là một trong những nhà đầu tư có cam kết đầu tư dài hạn, cho nên chúng tôi đã phát triển một nguồn nguyên liệu café tại Việt Nam, để không chỉ cung cấp cho nhu cầu sản xuất trong nước mà còn xuất khẩu.
Hiện nay, hàng hoá của Nestlé đã xuất khẩu đến 20 thị trường trên thế giới mà Nestlé kinh doanh. Với café, chúng tôi xuất khẩu cho tập đoàn sản xuất tại châu Âu phần lớn có nguồn gốc từ Việt Nam.
Để có nguồn nguyên liệu bền vững, Nestlé đã kết nối được từ 17.000 đến 21.000 nông hộ để hỗ trợ họ có được chứng chỉ café bền vững, không chỉ cung cấp cho Nestlé Việt Nam mà còn có thể cung cấp cho những nhà sản xuất rang xay khác.
Chúng tôi hiện đang có khoảng 10 cán bộ nông nghiệp làm việc trực tiếp với nông dân cùng với các bên như Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) để hỗ trợ người nông dân sản xuất ra những hạt café đáp ứng được chất lượng, yêu cầu cũng như giảm lượng phát thải trong quá trình canh tác để xuất khẩu được đến những thị trường khó tính. Vì, khởi nguồn quan trọng nhất chất lượng café là nguyên liệu bền vững.
- Trân trọng cảm ơn bà!