Thị trường tỷ đô
Thị trường hàng xa xỉ của Việt Nam từng có một thời còn nhỏ bé đã tăng vọt trong những năm gần đây, trở thành một trong những thị trường sôi động và năng động nhất Đông Nam Á. Năm 2023, thị trường đạt đến tầm cao mới, được thúc đẩy bởi tầng lớp trung lưu đang phát triển, thu nhập khả dụng tăng cao và sở thích ngày càng tăng đối với các thương hiệu quốc tế.
Theo hãng nghiên cứu dữ liệu Statista dự đoán, thị trường hàng xa xỉ tại Việt Nam đạt doanh thu 957,2 triệu USD trong năm 2023, với mức tăng trưởng kép hàng năm (CARG) là 3,23% cho đến năm 2028. Nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với hàng xa xỉ mang đến sự tăng trưởng đáng chú ý và cơ hội cho các thương hiệu mở rộng và đầu tư vào Việt Nam.
Các thương hiệu xa xỉ như Gucci, Louis Vuitton, Chanel, Cartier và Dior đã đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình 140% trong năm 2022 so với năm trước đó, theo dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường Vietdata công bố đầu năm 2024.
Trong đó, thương hiệu thời trang cao cấp có doanh thu cao nhất Việt Nam hiện nay là Louis Vuitton. Năm 2022, thương hiệu này ghi nhận doanh thu 2360 tỷ đồng từ thị trường Việt Nam, tăng gần 50% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế của thương hiệu này cũng tăng 69% so với năm trước, đạt con số 330 tỷ đồng.
Tương tự, doanh thu năm 2022 của Chanel tại Việt Nam cũng đạt 2.186 tỷ đồng, tăng 57% so với năm 2021, lợi nhuận sau thuế của công ty tăng gần gấp đôi, đạt gần 540 tỷ đồng. Đáng chú ý, giai đoạn 2020-2021, thương hiệu này chỉ đạt mức tăng trưởng bình quân dưới 20%/năm.
Không chỉ các thương hiệu thời trang cao cấp có mức tăng trưởng cao trong năm 2022, mà các nhà phân phối Việt Nam cũng có sự phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn này.
Theo hãng nghiên cứu thị trường Vietdata, 12 nhà phân phối Việt Nam với 34 thương hiệu cao cấp như Louis Vuitton, Chanel, Dior và Hermes đạt doanh thu tổng hợp 25.000 tỉ đồng (hơn 1 tỷ USD) trong năm 2022, tăng 67% so với năm trước đó. Lợi nhuận đạt 3.800 tỷ động (156,57 triệu USD) trong năm 2022, tăng 270% so với trước.
Trong số 12 công ty phân phối, CTCP Quốc tế Tam Sơn đứng đầu với doanh thu 4.750 tỷ đồng, lợi nhuận 849 tỷ đồng. Nhà bán lẻ của nhiều thương hiệu lớn như Hermès, Patel Philippe, Chopard, Loewe, Boss, Rimowa, Bang & Olufsen,... ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu lên tới 60% trong năm 2022. Năm 2023, công ty tiếp tục mở rộng danh mục phân phối với 8 thương hiệu mới, nâng tổng số thương hiệu được phân phối lên 32, với hệ thống 72 cửa hàng tại Hà Nội và TP.HCM.
Một nhà phân phối hàng đầu của các thương hiệu xa xỉ như Rolex, Burberry, Armani, Exchange, Nike, Levi's, Calvin Klein, Tommy Hilfiger,…là Tập đoàn Imex Pan Pacific (IPPG) của “ông vua hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn cũng có mức tăng trưởng rất cao thông qua 2 công ty DAFC và ACFC.
Mới nhất, theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, báo cáo tài chính của IPPG năm 2023 cho thấy công ty đạt mức lãi sau thuế 143 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2022. Đến cuối năm 2023, doanh nghiệp này ghi nhận vốn chủ sở hữu gần 4,000 tỷ đồng, tăng hơn 300 tỷ đồng sau 1 năm.
Tiếp tục đà tăng trưởng?
Theo báo cáo thường niên của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank của Anh, đến năm 2026, Việt Nam sẽ có 25.812 cá nhân có giá trị ròng cao (UHNW) với tài sản lưu động ít nhất 1 triệu USD.
Bên cạnh đó, số lượng cá nhân siêu giàu ở Việt Nam với tài sản ít nhất 30 triệu USD cũng được dự báo sẽ tăng 26% lên hơn 1.500 vào năm 2026, mức tăng này tương đương với mức tăng trưởng ở Hồng Kông và Đài Loan. Tương tự như ở Trung Quốc, những người giàu có ở Việt Nam không ngừng tìm kiếm cơ hội không chỉ để đầu tư mà còn để tiêu tiền.
Trong khi đó, Việt Nam còn có cơ cấu dân số tương đối trẻ, với độ tuổi trung bình là 32,5 tuổi. Theo Worldometer, 37,7% dân số là thành thị. Dân số trẻ, có học thức và thành thị là xương sống của tiêu dùng.
Hơn nữa, dân số tầng lớp trung lưu của Việt Nam đã mở rộng ồ ạt trong những năm qua. Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen dự báo con số này sẽ tăng lên 95 triệu người vào năm 2030. Ngoài ra, một báo cáo do Ngân hàng Thế giới chuẩn bị dự kiến Việt Nam sẽ đạt mức thu nhập trung bình cao vào năm 2035 với thu nhập bình quân đầu người hơn 7.000 USD.
Trong những năm tới, 36 triệu người nữa có thể tham gia vào phân khúc người tiêu dùng của Việt Nam và sẽ chi ít nhất 11 USD mỗi ngày cho điều kiện ngang giá sức mua (PPP). Năm 2000, chưa đến 10% dân số Việt Nam thuộc phân khúc tiêu dùng nhưng hiện nay con số này đã lên tới 40%. Ước tính cho thấy đến năm 2030, tỷ lệ này có thể đạt gần 75%.
Cùng với đó, hiệp định thương mại EU-Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi đáng kể cho thị trường hàng xa xỉ của Việt Nam. Thỏa thuận bảo hộ đầu tư năm 2019 đã loại bỏ 99% tất cả các loại thuế và giảm bớt nhiều rào cản pháp lý. Khi các mặt hàng xa xỉ trở nên dễ tiếp cận hơn, dự đoán sẽ có sự gia tăng đầu tư của khách hàng. Ngoài ra, sự phát triển của các khách sạn sang trọng và khu dân cư có thương hiệu đã thu hút khách du lịch giàu có, thúc đẩy nhu cầu mua sắm cao cấp của Việt Nam.
Nhìn chung, thị trường hàng xa xỉ Việt Nam sẵn sàng cho đà tăng trưởng trong những năm tới. Với dân số trẻ và đầy khát vọng, nền kinh tế thịnh vượng và bối cảnh tiêu dùng phát triển nhanh chóng, Việt Nam sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các thương hiệu xa xỉ phát triển trong tương lai.