Mới đây, trong một sự kiện tại Zurich, Thụy Sỹ, bà Kristalina Georgieva – Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã chia sẻ về những tác động của Trí tuệ nhân tạo (AI) đối với thị trường lao động toàn cầu: “Nó có thể mang lại sự gia tăng năng suất đáng kể nếu chúng ta quản lý tốt, nhưng nó cũng có thể dẫn đến nhiều thông tin sai lệch hơn và tất nhiên là gây ra nhiều bất bình đẳng hơn trong xã hội”.
Trên thực tế, kể từ khi AI ra đời, các chuyên gia đã tranh luận về ưu và nhược điểm của nó đối với lực lượng lao động. Về cơ bản, người ta luôn đặt ra một câu hỏi, liệu một công cụ có khả năng tăng năng suất bằng cách tự động hóa hàng loạt công việc thường ngày, có thể khiến hàng triệu người mất việc, hay sự thay đổi công nghệ sẽ tìm ra cách, tạo ra những vai trò mới để thay thế những vai trò đã lỗi thời?
Theo một nghiên cứu của IMF hồi đầu năm nay, khoảng 40% việc làm trên toàn thế giới sẽ bị ảnh hưởng bởi trí tuệ nhân tạo (AI) và công nghệ này sẽ định hình tính chất công việc trong tương lai.
Nghiên cứu của IMF cũng cho thấy, AI sẽ tác động đến các công việc đòi hỏi kỹ năng cao. Ở các nền kinh tế phát triển, mức độ tiếp xúc với AI cao hơn, có đến 60% các ngành nghề này sẽ bị ảnh hưởng bởi AI, chủ yếu “do sự phổ biến của các công việc thiên về nhận thức”. Những nền kinh tế này sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn, nhưng lại được hưởng lợi nhiều hơn từ AI so với các nền kinh tế kém phát triển và mới nổi.
Trong khi đó, ở các thị trường mới nổi, 40% việc làm sẽ được tiếp xúc với AI, còn ở các nước đang phát triển, con số này là 26%. Điều này cho thấy các nền kinh tế kém phát triển hơn sẽ phải đối mặt với ít rủi ro hơn từ AI. Nhưng, các nền kinh tế này cũng ít có sự chuẩn bị hơn để tận dụng lợi thế của AI vì không có cơ sở hạ tầng hoặc lực lượng lao động lành nghề, làm trầm trọng thêm khoảng cách kỹ thuật số và chênh lệch thu nhập giữa các quốc gia.
Cũng trong báo cáo của IMF về AI hồi tháng 1, bà Kristalina Georgieva đã đưa ra quan điểm lạc quan hơn về những hứa hẹn của AI. Bà cho rằng: “Kỷ nguyên AI đang đến gần chúng ta và chúng ta vẫn có khả năng đảm bảo nó mang lại sự thịnh vượng cho tất cả mọi người”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, bà Georgieva có vẻ lo lắng hơn.
Sự thay đổi lớn trong AI, so với các cải tiến công nghệ khác, là nó có vẻ như tác động đáng kể đến công việc “cổ trắng” hơn so với lao động “cổ xanh” (những người làm việc văn phòng và những người lao động trực tiếp). Khả năng của AI trong việc tái tạo các công việc thông thường, nhàm chán khiến nó rất phù hợp để thực hiện các loại nhiệm vụ hành chính bao gồm một số công việc văn phòng nhất định, mặc dù chi phí để thực hiện tích hợp toàn diện AI trong toàn công ty là rất lớn.
Theo bà Georgieva, chúng ta có rất ít thời gian để chuẩn bị, mặc dù đã có một số các doanh nghiệp có vẻ đã sẵn sàng cho sự thay thế từ AI. Tâm lý cho rằng những thay đổi của thị trường lao động vì sự bùng nổ của AI là tất yếu dường như đang lan rộng. Trong một khảo sát vào tháng tư vừa qua, trong số 2.000 giám đốc điều hành toàn cầu, 41% cho biết họ dự kiến sẽ cắt giảm quy mô lực lượng lao động trong vòng 5 năm tới do AI.
Vào đầu năm nay, nhiều nhà phân tích tin rằng các công ty công nghệ đã lên kế hoạch chuẩn bị cho việc “cắt tỉa” lực lượng lao động của họ vì AI. Trong khi đó, các công ty tài chính cũng đã ám chỉ mối liên hệ giữa tình trạng sa thải nhân viên và AI.
Gã khổng lồ máy tính IBM đóng băng việc thuê 7.800 lao động vì cho rằng AI có thể sẽ thay thế số lượng nhân sự đó. Và khi Black Rock sa thải 3% nhân viên vào tháng 1, họ đã đề cập rằng một trong những lý do cắt giảm việc làm là do “các công nghệ mới đã sẵn sàng biến đổi ngành của chúng ta và mọi ngành khác”.
Tuy nhiên, vẫn có một số người cho rằng, mốc thời gian sa thải hàng loạt nhân viên còn xa và có thể nó sẽ không thể xảy ra vì nhiều khả năng thực sự của AI đang được đánh giá một cách quá cao do sự cường điệu xung quanh ngành nói chung.
Marc Warner, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn AI, cho biết: “Hãy nhìn vào thời điểm chúng ta được hứa hẹn về những chiếc ô tô tự lái hoàn toàn. Nó mất nhiều thời gian hơn chúng ta mong đợi”.
Trong khi đó, một số người khác nói rằng thậm chí nếu điều đó xảy ra thì cũng sẽ có rất nhiều việc làm mới mà AI sẽ được tạo ra trong tương lai. Nhà kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs đã đề cập đến tác động của AI đối với thị trường việc làm trong báo cáo tháng 3 rằng, AI sẽ hủy hoại việc làm ở một số lĩnh vực nhưng cuối cùng sẽ tạo ra nhiều việc làm hơn.