Trong tháng 5, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 66,62 tỷ USD, tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 305,53 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu hàng hóa ước đạt 156,77 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong các nhóm hàng xuất khẩu, rau quả vẫn tiếp tục đà tăng mạnh mẽ. Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, đến ngày 20/5, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 2,49 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu tới các thị trường chủ lực tiếp tục tăng cao như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản và Thái Lan. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), với đà tăng trưởng như hiện tại, dự báo xuất khẩu hàng rau quả tiếp tục tăng trưởng khả quan. Trong đó, nhu cầu từ thị trường Trung Quốc tăng sẽ là yếu tố thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu mặt hàng này.
Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam và Trung Quốc đã ký 21 Thỏa thuận ghi nhớ, Nghị định thư về xuất, nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản giữa hai nước. Hiện đã có nhiều mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc, trong đó, có 12 mặt hàng rau quả (gồm: dưa hấu, măng cụt, thạch đen, sầu riêng, chuối tươi, khoai lang, thanh long, chôm chôm, xoài, vải, nhãn, mít); tổ yến, bột cá và một số sản phẩm phục vụ sản xuất, chế biến thức ăn chăn nuôi; mặt hàng sữa và thủy sản các loại.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng cho rằng, Trung Quốc là một thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe nên doanh nghiệp phải giảm mức độ phụ thuộc, cập nhật những xu hướng thị hiếu mới của thị trường, hướng tới sản xuất các mặt hàng chất lượng cao. Việc chuẩn hóa chất lượng sản phẩm theo đúng yêu cầu của Trung Quốc chính là giải pháp quan trọng nhất để xuất khẩu chính ngạch đạt hiệu quả cao cũng như mở cửa được cho nhiều mặt hàng khác vào thị trường này thời gian tới. Riêng mặt hàng xuất khẩu chủ lực và trọng tâm của ngành rau quả là sầu riêng thì việc giữ ổn định chất lượng và giám sát chất lượng trở nên vô cùng quan trọng, nhất là trong điều kiện sầu riêng Việt Nam phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sầu riêng đến từ các quốc gia Thái Lan, Malaysia, Myanmar tại thị trường Trung Quốc.
Năm 2024, ngành rau quả Việt Nam đặt kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu chạm mốc kỷ lục mới, khoảng 6,5 tỷ USD. Dự báo thị trường xuất khẩu tiếp tục thuận lợi trong nửa cuối năm. Ông Nguyễn Đình Mười - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T cho biết, năm nay xuất khẩu trái cây của công ty có nhiều cơ hội tăng trưởng do cả yếu tố sản xuất và mở rộng thị trường. Mỹ và châu Âu là thị trường xuất khẩu chính của Vina T&T. Ngoài ra, công ty còn xuất khẩu sang Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện tại Vina T&T đã đưa được trái sầu riêng cấp đông vào thị trường Mỹ; xuất khẩu vải thiều sang Thái Lan.
Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, hoạt động xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục thuận lợi trong thời gian tới nhờ nguồn cung nội địa dồi dào, nhu cầu các thị trường truyền thống và tiềm năng đều có xu hướng tăng.