Theo ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội thép Việt Nam (VSA) dự báo sản xuất thép thành phẩm năm 2024 có thể đạt 30 triệu tấn, tăng 7% so với năm 2023. Tuy nhiên, sự phục hồi này không chắc chắn và các doanh nghiệp thép còn gặp nhiều khó khăn.
Khó khăn đầu tiên mà ông Đa nói đến đó là việc Trung Quốc tiếp tục gia tăng xuất khẩu thép, các nhà sản xuất thép Việt Nam đối diện với nguy cơ mất thị trường nội địa. Theo thống kê của Hải quan Trung Quốc, 5 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc xuất khẩu 45 triệu tấn thép, tăng 25% so với cùng kỳ năm 2023. Thép Trung Quốc tiếp tục ồ ạt vào thị trường Việt Nam. Riêng 4 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu thép hơn 5,4 triệu tấn, tăng 42% so với năm trước. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu thép từ Trung Quốc 3,7 triệu tấn, chiếm 68% tổng lượng nhập khẩu.
Sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ sản xuất trên toàn thế giới khi các nước đều tăng cường các "hàng rào" kỹ thuật, phòng vệ thương mại ngăn cản thép nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước cũng là lực cản không nhỏ đối với việc xuất khẩu thép cuả Việt Nam hiện nay.
"Thêm vào đó, tình trạng "cung vượt cầu" của nhiều sản phẩm thép trong nước cùng sự gia tăng thép nhập khẩu sẽ làm cho sự cạnh tranh về gía cả mặt hàng thép thành phẩm nội địa trở nên khốc liệt hơn. Thị trường thế giới nhiều bất ổn, giá cước vận tại quốc tế tăng…cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các doanh nghiệp ngành thép", ông Nghiêm Xuân Đa nói.
Thừa nhận thực tế khó khăn của ngành thép, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thẳng thắn nhìn nhận, ngành thép hiện nay gặp nhiều khó khăn do cầu thế giới và tăng trưởng kinh tế trong nước vẫn chưa phục hồi hoàn toàn so với giai đoạn trước đại dịch, đặc biệt là sự sụt giảm của ngành bất động sản dẫn đến nhu cầu thép đầu vào cho sản xuất các ngành công nghiệp xây dựng và xuất khẩu giảm; giá nguyên liệu tăng khiến chi phí sản xuất cao; tồn kho thép lưu thông ngoài thị trường còn ở mức cao, đặc biệt là tại thị trường Trung Quốc dẫn đến gia tăng tồn kho số lượng lớn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống công nhân, người lao động.
Ngoài các vấn đề mang tính thời điểm, ngành thép còn có những điểm nghẽn mang tính dài hạn. Năng lực sản xuất còn hạn chế, Việt Nam tiếp tục là quốc gia nhập siêu về thép. Sản xuất thép thô mới cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước, còn thiếu hụt sản phẩm thép chất lượng cao, thép kỹ thuật.
Việt Nam vẫn tiếp tục nhập khẩu thép cán (chiếm trên 50% tổng kim ngạch nhập khẩu), trong đó chủ yếu là thép cán nóng. Từ 2017 đến nay, Việt Nam đã sản xuất được thép cán nóng với sản lượng ngày một tăng, chiếm tỷ trọng cao, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu thị trường trong nước. Ngoài ra, Việt Nam vẫn tiếp tục phải nhập khẩu thép hình, một số sản phẩm tôn mạ kim loại và sơn phủ màu (chiếm khoảng 20-25% nhu cầu tiêu dùng trong nước).
Ngành thép phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu nước ngoài (thép phế liệu, than cốc, quặng sắt, phôi thép, và các sản phẩm khác…), đặc biệt là trong sản xuất thép thô dẫn đến tình trạng bị động về giá, khi giá nguyên liệu đầu vào biến động thì giá thép trong nước cũng phải điều chỉnh theo.
Công nghệ sản xuất vẫn còn hạn chế. Ngoại trừ một số khu liên hợp gang thép mới hình thành thời gian gần đây có công nghệ khép kín từ thượng nguồn có công suất thuộc nhóm trung bình cao của thế giới như Khu liên hợp gang thép Hưng Nghiệp Fomosa, Dung Quất… phần lớn các đơn vị sản xuất còn lại có quy mô nhỏ (dưới 0,5 triệu tấn/năm), sử dụng công nghệ không khép kín, lạc hậu, tiêu hao nhiều năng lượng nên khả năng cạnh tranh thấp và gây ô nhiễm môi trường.
Đáng nói, Bộ trưởng cũng cho biết, thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới.
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), tính đến hết tháng 6/2022, các quốc gia và vùng lãnh thổ đã tiến hành khoảng 2.500 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với các sản phẩm kim loại cơ bản (bao gồm thép), chiếm tới hơn 30% tổng số vụ việc điều tra phòng vệ thương mại.
Tính đến hết tháng 5/2024, trong tổng số 252 vụ việc nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam có khoảng 30% vụ việc liên quan các sản phẩm thép. Các sản phẩm thép bị điều tra khá đa dạng, gồm thép mạ, thép không gỉ cán nguội, thép phủ màu, ống thép, mắc áo bằng thép, đinh thép,… Những vụ kiện này hầu hết xảy ra ở các thị trường xuất khẩu thép chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Úc…, trong đó Hoa Kỳ là nước điều tra nhiều nhất với Việt Nam.
Gần đây nhất, sau một thời gian dài không không sử dụng biện pháp phòng vệ thương mại trực diện với Việt Nam, vào tháng 8/2023, EU đã tiến hành điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với thép không gỉ cán nguội Việt Nam với cáo buộc lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đang áp dụng đối với Indonesia.
Ngành sản xuất thép trên toàn thế giới ước tính chiếm 7% tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Hiện nay, các quy định về tính bền vững ngày càng chặt chẽ hơn, đặc biệt là giảm khí thải trong quá trình sản xuất. Liên minh Châu u (EU) đã thông báo áp dụng chính sách Cơ chế Điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), đánh thuế carbon đối với các nhà sản xuất xuất khẩu đến thị trường này, bao gồm cả sản phẩm thép, chính sách sẽ được chính thức áp dụng từ tháng 1/2026.
Trước những khó khăn hiện nay, Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quản lý kỹ thuật, quản lý chất lượng, hàng rào kỹ thuật nhằm ngăn ngừa các sản phẩm thép không đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật an toàn và môi trường tràn vào thị trường Việt Nam. Bộ Công Thương kịp thời áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (biện pháp tự vệ, chống bán phá giá, chống trợ cấp, lẩn tránh thương mại) nhằm ngăn ngừa hành vi cạnh tranh không lành mạnh, bảo vệ sản xuất trong nước.
Đồng thời, đẩy nhanh đồng bộ các kênh kích cầu đối với sản phẩm thép như thị trường bất động sản, thị trường xây dựng, chương trình xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội, đẩy mạnh đầu tư công…
Hiệp hội thép Việt Nam đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời hiệu quả các vụ việc phòng vệ thương mại đối sản xuất thép ở nước ngoài. Bộ Công Thương cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình Chiến lược phát triển công nghiệp thép Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050, gắn với các chính sách đặc thù cho ngành thép tăng trưởng xanh và bền vững.
Trong thời gian, chưa có Chiến lược phát triển ngành thép, cần có biện pháp quản lý đầu tư các dự án thép có quy mô lớn nhằm kiểm soát cân đối cung cầu, tránh lãng phí tài nguyên, vốn đất đai, bảo vệ môi trường giảm phát thải khí nhà kính, chuyển đổi sản xuất tiêu thụ xanh.
Hiệp hội Thép đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có chính sách ổn định tỷ giá, duy trì giá điện hợp lý, ưu đãi lãi suất vay vốn đầu tư với dự án thép có quy mô lớn bởi do đặc thù các dự án sản xuất thép cần chi phí đầu tư lớn, thời gian hu hồi vốn dài.
Hiệp hội đề nghị các đơn vị liên quan sớm nghiên cứu giải pháp và các gói tài chính xanh hỗ trợ doanh nghiệp thép chuyển đổi xanh theo Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu và cam kết của Chính phủ tại COP26.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho ngành thép, Bộ Công Thương đang xây dựng và dự kiến sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ cũng đang hoàn tất dự thảo để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật phát triển công nghiệp trọng điểm. Theo đó, mục tiêu dài hạn là phát triển ngành công nghiệp thép trở thành ngành công nghiệp nền tảng quốc gia, đáp ứng được nhu cầu trong nước và tăng nhanh xuất khẩu.
Về hỗ trợ vay vốn, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, Bộ Công Thương đã đề xuất Bộ Tài chính rà soát, cập nhật và có chính sách điều tiết thuế nhập khẩu phù hợp đối với một số mặt hàng thép có biến động lớn về giá; đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, khuyến khích các ngân hàng thương mại triển khai các gói tín dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, sản xuất, kinh doanh thép.
Đối với vấn đề thép nhập khẩu ồ ạt vào thị trường, Bộ Công Thương đã thường xuyên rà soát, đánh giá tác động của hoạt động nhập khẩu thép, tiếp nhận phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp kịp thời bảo vệ doanh nghiệp tại thị trường nội địa thông qua các biện pháp phòng vệ thương mại (chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế, chống trợ cấp, tự vệ thương mại) và biện pháp kĩ thuật. Bên cạnh đó, Bộ cũng thực hiện hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu thép ứng phó kịp thời, hiệu quả với các vụ việc phòng vệ thương mại sản phẩm thép ở nước ngoài.
Đồng thời, cơ quan này cũng khẳng định đã, đang và sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép phát triển thị trường, đặc biệt là mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; xây dựng, bảo vệ thương hiệu cho ngành thép của Việt Nam; Hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ lợi ích tại thị trường trong nước và ngoài nước.
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, phải chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, có rào cản kỹ thuật để giảm nhập khẩu, nâng cao chất lượng, tạo cạnh tranh tốt hơn.
Thủ tướng cũng đề nghị tập trung đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong giải quyết các điểm nghẽn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ, phát triển bền vững ngành này tại Việt Nam.