Chính phủ vừa yêu cầu các bộ ngành có liên quan nghiên cứu, đề xuất gói chính sách quy mô đủ lớn, phù hợp, khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, trong đó có chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Trao đổi với DĐDN, TS Nguyễn Tú Anh - Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết: Theo chuẩn mực cao ứng dụng ESG của khu vực Đông Nam Á, số lượng doanh nghiệp Việt đạt điểm cao chưa nhiều. Song trên thực tế, nhiều doanh nghiệp ngày càng dành nguồn lực lớn cho cộng đồng, cho các hoạt động bảo tồn môi trường… nhưng chưa đưa vào chuẩn mực cụ thể theo ESG.
- Như ông chia sẻ, áp lực của thị trường khiến doanh nghiệp Việt Nam phải quan tâm nhiều hơn đến chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, từ nhận thức đến thực hành ESG tại doanh nghiệp còn là khoảng cách, thưa ông?
Khảo sát doanh nghiệp do VCCI thực hiện cho thấy, mặc dù ô nhiễm môi trường ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh song mức độ hiểu biết của doanh nghiệp về các quy định môi trường còn thấp. Khoảng 68% doanh nghiệp tư nhân cho biết đã bị ảnh hưởng tiêu cực bởi biến đổi khí hậu nhưng chỉ có 31,8% hiểu rõ các quy định môi trường. Để doanh nghiệp thực sự chung tay cùng cộng đồng bảo vệ môi trường thì tiếp tục thúc đẩy nâng cao nhận thức và thực hiện các chuẩn mực ESG trong doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn coi ESG là xa xỉ.
- Vậy theo ông, cần nhìn nhận chuẩn mực ESG như thế nào để doanh nghiệp vượt qua tư duy xa xỉ như ông nói?
Đúng là doanh nghiệp khởi nghiệp hay doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn đối mặt với áp lực về nguồn vốn, cân đối dòng tiền, đảm bảo lợi nhuận… Do đó, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp cho rằng đầu tư ESG là xa xỉ, chỉ dành cho doanh nghiệp lớn hoặc những hoạt động nào có thể cắt giảm được chi phí là tốt nhất. Nếu chỉ nghĩ như vậy, đôi khi con đường để phát triển gặp nhiều khó khăn.
Thực hành ESG trong doanh nghiệp sẽ mất thời gian hơn, có độ phức tạp hơn so với sản xuất kinh doanh theo cách truyền thống. Nhưng, khi đã chuẩn hoá được quản trị và những chuẩn mực xã hội, môi trường được cộng đồng ủng hộ, doanh nghiệp góp phần giảm được chi phí quản lý, tiếp cận thị trường. Đây là định hướng dài hạn mang lại lợi nhuận ổn định, phát triển bền vững; nhất là trong bối cảnh nhận thức về các vấn đề xã hội của cộng đồng ngày càng cao, định hướng thực hành ESG giúp doanh nghiệp dễ thành công hơn.
Trong một báo cáo ở Diễn đàn kinh tế thế giới “Tương lai tiêu dùng trong những thị trường tăng trưởng nhanh ASEAN”, cho thấy 80% người tiêu dùng ở khu vực ASEAN quan tâm đến tính bền vững và đã thay đổi thói quen sống để trở nên thân thiện hơn với môi trường. Số liệu từ báo cáo Edelman Trust Barometer năm 2022 cũng cho thấy 1/3 người tiêu dùng đã ngừng sử dụng một nhãn hiệu không hành xử thích hợp trước khủng hoảng; 71% không tin dùng nếu cảm nhận một nhãn hiệu đặt lợi nhuận lên trên con người. Trong khi đó, 26% nhà đầu tư toàn cầu cho biết ESG là trọng tâm” trong cách tiếp cận đầu tư.
- Như ông đã biết, Chính phủ đang xây dựng gói hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy động lực tăng trưởng mới. Ông có đề xuất gì cho gói hỗ trợ này, thưa ông?
Tôi cho rằng, sự hỗ trợ nguồn lực và chính sách của Chính phủ là quan trọng. Trong gói chính sách hỗ trợ chuyển đổi xanh, khó khăn nhất có lẽ là cần xác định một cách rõ ràng và cụ thể những tiêu chí xanh. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp xác định dự án của mình đáp ứng đủ yêu cầu để được nhận hỗ trợ bởi ranh giới giữa dự án chuyển đổi xanh và dự án thông thường khá mong manh. Đồng thời, đây là căn cứ để các cơ quan có liên quan cung cấp nguồn lực hỗ trợ theo đúng danh mục, tiêu chí.
Bên cạnh sự hỗ trợ về nguồn lực, để doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi xanh một cách bài bản, chuyên nghiệp, giảm thiểu rủi ro, quan trọng không kém là Chính phủ cần xây dựng lộ trình dài hạn, trong đó đưa ra những mốc thời gian cụ thể. Doanh nghiệp nắm rõ lộ trình đó, chủ động xây dựng chiến lược và kế hoạch chuyển đổi năng lượng, đầu tư công nghệ, thay đổi quy trình vận hành…
- Trân trọng cảm ơn ông!