Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện cùng ông Lê Cường Thịnh, chuyên gia Huấn luyện doanh nghiệp của tổ chức ActionCOACH toàn cầu về bí quyết để xây dựng một doanh nghiệp hiệu quả trong bối cảnh hiện nay.
- Bí quyết để xây dựng và phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả là gì, thưa ông?
Có rất nhiều định nghĩa hay phương pháp các bạn có thể tìm kiếm trên mạng về chủ đề này. Tôi xin phép trả lời theo góc nhìn cá nhân của tôi với trải nghiệm gần 10 năm làm việc với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Tôi mượn ý của tiến sỹ Ivan Misner (chủ tịch BNI) về 3 chữ P giúp cho các doanh nhân đạt được đích đến thành công. Đó là Passion (Niềm đam mê), People (Con người), Process (Hệ thống, quy trình).
Khởi đầu của mọi chủ doanh nghiệp đều bắt đầu từ một niềm đam mê hoặc khát khao nào đó. Đó có thể là được sở hữu một doanh nghiệp của riêng mình, được làm điều mình thích hay là cơ hội có nhiều thu nhập hơn…
Tôi quan sát được sau một số năm làm kinh doanh, những chủ doanh nghiệp có niềm đam mê, yêu thích công việc kinh doanh, phát triển doanh nghiệp thường có có kết quả tốt hơn những người khác.
Tại sao vậy?
Đơn giản vì khi bạn yêu thích một việc gì đó, bạn có xu hướng tập trung, ưu tiên cho nó nhiều hơn các việc khác. Bạn sẽ học hỏi, tìm kiếm các nguồn lực cần thiết để làm bằng được thì thôi. Xây dựng một doanh nghiệp cũng như vậy, nó đòi hỏi bạn phải học và làm rất nhiều thứ, cũng như nếm trải những quả ngọt và không ít trái đắng trên hành trình đó. Bạn sẽ khó có thể xây dựng một doanh nghiệp thành công nếu không có niềm đam mê hoặc khát khao làm điều đó.
Điều tiếp theo chủ doanh nghiệp cần làm, đó là tìm kiếm, phát triển những Con Người phù hợp với mục đích phát triển của doanh nghiệp. Jim Collins (tác giả cuốn sách “Từ tốt đến Vĩ Đại”) đã nói rằng: “Nếu bạn có những người phù hợp lên xe buýt, được sắp xếp đúng chỗ, thì việc làm sao để quản lý và thúc đẩy họ gần như không còn cần thiết nữa”.
Những con người phù hợp với các vị trí trên “chuyến xe buýt” doanh nghiệp sẽ quyết định phần lớn thành công cho mọi doanh nghiệp. Nhiều chủ doanh nghiệp quá vội vàng và hời hợt trong khâu tuyển dụng đã phải trả giá cho sự thiếu trách nhiệm của họ. Nên nhớ có một “quy luật” thế này: bạn càng dành ít thời gian, công sức cho việc tuyển dụng đúng người thì bạn càng phải dành nhiều thời gian, công sức để xử lý những hậu quả sau này. Bạn có thể kiểm chứng điều này một cách dễ dàng, hãy nhìn vào bất cứ doanh nghiệp nào mà bạn biết, những hậu quả từ việc tuyển dụng cẩu thả chắc chắn sẽ tồn tại không ít ở trong thế giới doanh nghiệp ngày nay.
Theo tổ chức huấn luyện doanh nghiệp toàn cầu ActionCOACH thì một doanh nghiệp thành công là: “một doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận, vận hành hiệu quả mà không cần sự có mặt thường xuyên của chủ doanh nghiệp”.
- Theo ông, với khả năng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay, những nội dung trên có áp dụng được không và đem lại hiệu quả như thế nào?
Trên thực tế, những doanh nhân thành công hàng đầu Việt Nam hiện nay phần nhiều là thế hệ 7X. Họ thức thời, được học tập tư duy, phương pháp quản trị của thế giới từ sớm và đều đang rất thành công trong lĩnh vực của họ. Với thời đại công nghiệp 4.0 và trong một thế giới phẳng như ngày nay thì thế hệ doanh nhân 8X, 9X càng phải coi việc học tập, cập nhật từ thế giới là sống còn.
Với nhận thức như vậy, bản thân tôi cũng đã, đang đồng hành với các tổ chức huấn luyện doanh nghiệp hàng đầu thế giới hiện nay để mang lại tư duy, phương pháp và công cụ quản trị doanh nghiệp mới nhất cho các chủ doanh nghiệp Việt Nam.
- Thực tế hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam đều đi theo hướng: Thành lập – phát triển nhanh – phát triển chậm lại – suy yếu và cuối cùng là chuyển nhượng, làm thế nào để khắc phục điều này, thưa ông?
Đó là một thực tế rất đau lòng hiện nay. Thời của làm doanh nghiệp theo bản năng, dựa vào cơ hội nhất thời để thành công đã không còn nữa. Thông tin hiện nay gần như miễn phí. Bạn có một ý tưởng, chỉ vài tháng sau sẽ bị copy và vượt mặt bởi đối thủ. Chưa kể các biến động của thế giới, thị trường hiện nay rất khó có thể lường trước được.
Để hạn chế bị rơi vào “vòng lặp” này, chủ doanh nghiệp cần thay đổi nhất là tư duy làm doanh nghiệp bài bản (như đã giới thiệu ở phần 1) thông qua việc học tập, phát triển bản thân song song với phát triển doanh nghiệp.
Điều thứ hai là chủ doanh nghiệp nên tìm kiếm thêm các nguồn lực bên ngoài để giúp doanh nghiệp theo kịp với các cơ hội của thị trường. Đó có thể là các nguồn lực về công nghệ (AI, CRM, Automation..); nguồn lực về con người (Coach, Consultant, Out-source..); nguồn lực của các đối tác (công nghệ, sản phẩm, khách hàng..).
- Ông đang gặp thách thức nào trong quá trình tìm kiếm các phương pháp, cách thức để xây dựng, quản lý và phát triển doanh nghiệp?
Chắc chắn là có rất nhiều thách thức trong công việc của tôi, với vai trò là nhà huấn luyện doanh nghiệp. Mọi thứ luôn thay đổi, không có gì là có thể áp dụng được mãi. Những thay đổi của thị trường, công nghệ, thế hệ lao động trẻ hoá.. đòi hỏi tôi luôn phải học hỏi, cập nhật các phương pháp quản trị và huấn luyện doanh nghiệp thực tế từ các tổ chức, nhà huấn luyện trên thế giới và Việt Nam một cách liên tục.
- Hiện tại, việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp là nhu cầu tất yếu, ông đánh giá sao về cách mà các doanh nghiệp tại Việt Nam đang áp dụng và hiệu quả của nó?
Theo quan sát của tôi, việc chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay đang diễn ra tích cực nhưng chưa thực sự mạnh mẽ. Có thể điều này sẽ được cải thiện hơn với lứa doanh nhân Gen Z, tức là khoảng 10 năm tới đây.
Ngoài vấn đề thế hệ thì việc tư duy làm doanh nghiệp cũng ảnh hưởng tới công tác chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số một doanh nghiệp không được xây dựng hệ thống quy trình bài bản cũng giống như bạn cố gắng hướng dẫn một bà lão 70 tuổi sử dụng Smart Phone và mạng xã hội vậy. Nó sẽ không giải quyết được cái gốc của vấn đề!
Trân trọng cảm ơn ông!