Đó là những điều mà ông đã chia sẻ trong bài phát biểu tại Đại học Stanford. Ông nhấn mạnh rằng những cuộc họp thường xuyên sẽ làm xáo trộn lịch trình, cản trở khả năng của đội nhóm trong việc giải quyết vấn đề, nâng cao năng suất và duy trì tính minh bạch.
Theo ông, minh bạch ở đây tức là ông không bao giờ tiết lộ điều gì chỉ cho duy nhất một nhân viên nào đó. Khi có thông tin gì, tất cả mọi người đều được biết như nhau.
Ông nhận định rằng với cách làm việc này, Nvidia hoạt động rất linh hoạt. Thông tin được truyền đi nhanh nhất có thể. Nhân viên được trao quyền, được làm việc dựa theo khả năng, chứ không phải dựa theo những gì người ấy biết.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc ông không quan tâm đến đội nhóm của mình. Ông khẳng định mình vẫn thường xuyên trao đổi với các lãnh đạo dưới quyền, chỉ là không phải lúc nào cũng kéo nhau vào phòng họp. Ông không đưa ra đánh giá cho họ. Thay vào đó, ông liên tục đưa ra các nhận định và họ cũng cung cấp cho ông thứ tương tự. Còn khi một nhân viên nào đó thực sự cần gặp ông, Huang khẳng định ông sẽ “bất chấp mọi thứ” để gặp người ấy.
Huang không phải nhà lãnh đạo đầu tiên hay duy nhất cho rằng họp hành là thứ lãng phí thời gian. Bởi đây là quan điểm chung của khá nhiều nhà lãnh đạo nổi tiếng.
Một ví dụ điển hình là CEO Pandora, Alexander Lacik. Ông từng nói với Fortune rằng quá nhiều cuộc họp sẽ khiến công ty phải chú ý vào mọi vấn đề, bất chấp việc chúng cần thiết hay không. Theo ông, thực tế chỉ có một vài hoạt động cần được chú ý, còn lại thì không nên quá để tâm làm gì.
Tương tự, nhà sáng lập Eric Yuan của Zoom cho rằng đa số các cuộc họp đều là thứ tốn thời gian. Thậm chí đến nỗi ông còn đang sáng tạo ra một “bản song sinh kỹ thuật số” cho người dùng để người dùng sử dụng phiên bản này đi họp, còn họ có thể tập trung vào làm những việc họ cho là quan trọng hơn.
Shopify thậm chí còn tiến một bước xa hơn, khi hồi năm ngoái họ quyết định bỏ hết các cuộc họp từ ba người trở lên. Họ gọi đây là cuộc “thanh lọc lịch trình” để giúp nhân viên có thêm thời gian làm việc khác.
Hoặc ngay cả tỷ phú Jeff Bezos, một người thích “các cuộc họp lộn xộn”, cũng đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt cho cuộc họp nhằm bảo đảm cuộc họp ấy thực sự có ích. Những cuộc họp ấy phải kết thúc bằng một biên bản ghi nhớ dài 6 trang thay vì một bản PowerPoint mơ hồ nào đó bắt người ta phải đọc trong nửa tiếng trước khi thực sự đi vào bàn luận.