Năng suất lao động là yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tăng năng suất lao động đang trở thành vấn đề cấp bách bởi đây là con đường ngắn nhất đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, bắt kịp trình độ các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trong giai đoạn 2018-2022 dù bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, năng suất lao động của Việt Nam tăng bình quân 7,06%/năm. Tuy nhiên, con số này trong các năm sau đó đã giảm mạnh, thấp hơn mục tiêu Quốc hội đặt ra.
Dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng (Ban Kinh tế Trung ương) cho biết, năng suất lao động của Việt Nam năm 2022 theo ngang giá sức mua PPP bằng đồng USD 2017 là 2.400 USD, bằng 11,4% so với Singapore, 35,4% so với Malaysia, 79% so với Indonesia… Năng suất lao động thấp do cơ cấu nền kinh tế Việt Nam phần lớn lao động làm việc trong khu vực phi chính thức và hộ gia đình.
Lao động trong khu vực doanh nghiệp chỉ chiếm 29,2% lao động có việc làm trong năm 2022 nhưng lại tạo ra khoảng 60% GDP cho nền kinh tế. Trong đó, khu vực tư nhân tạo ra khoảng 10%, khu vực doanh nghiệp FDI tạo ra khoảng 20,14% và khu vực doanh nghiệp nhà nước tạo ra khoảng 29% GDP. Với GDP của Việt Nam năm 2022 theo ngang giá sức mua PPP bằng đồng USD 2017, mỗi lao động tạo ra 53.582 USD/lao động nhưng vẫn ở mức thấp, bằng 30% năng suất lao động của người lao động trong các doanh nghiệp tại Singapore.
Phân tích sâu hơn, năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp tư nhân còn quá thấp. Các doanh nghiệp tư nhân tạo ra khoảng 59% việc làm nhưng đóng góp giá trị gia tăng bằng 1/6 của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nói chung. Do đó, năng suất lao động trong khu vực doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chỉ bằng 3,6% khu vực doanh nghiệp nhà nước và 28,5% khu vực doanh nghiệp FDI.
Để nâng cao năng suất lao động, theo TS. Nguyễn Tú Anh cần thực hiện đồng bộ 5 giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận nguồn lực (đất đai, vốn, tri thức, lao động), giảm chi phí tuân thủ các thủ tục hành chính… nhằm phát triển nhanh và tăng quy mô doanh nghiệp. Chỉ khi tỷ trọng lao động trong doanh nghiệp tăng lên thì năng suất lao động mới tăng nhanh và bền vững bởi người lao động được chăm lo tốt sẽ cam kết gắn bó lâu dài, có động lực nâng cao năng lực trình độ; doanh nghiệp có năng lực tốt hơn trong nâng cao trình độ quản lý, sản xuất, công nghệ để tăng năng suất lao động.
Thứ hai, chính sách kinh tế trong giai đoạn 2021-2030 cần đặt trọng tâm phát triển ngành chế biến chế tạo - khu vực động lực thúc đẩy năng suất lao động của nền kinh tế.
Thứ ba, nâng cao năng suất lao động nội ngành thông qua việc hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp lớn, những sếu đầu đàn dẫn dắt ngành phát triển chuỗi cung ứng do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ như ngành sản xuất ô tô, điện tử, công nghệ thông tin, ngân hàng, tài chính, chế biến nông lâm thủy sản… Đặc biệt chú trọng mở rộng quy mô và cải thiện năng suất lao động doanh nghiệp tư nhân chính là cú huých lớn cho doanh nghiệp cả nước.
Thứ tư, thúc đẩy chuyển dịch lao động từ khu vực có năng suất lao động thấp sang khu vực có năng suất lao động cao, từ khu vực phi chính thức sang khu vực chính thức bằng các giải pháp như chăm lo tốt hơn cuộc sống người lao động qua các chính sách nhà ở xã hội, công bằng trong giáo dục, tiếp cận, dịch vụ y tế; nâng cao kỹ năng đảm bảo người lao động đủ điều kiện dịch chuyển…
Thứ năm, thực hiện chính sách tiền lương hiệu quả trên cơ sở đảm bảo lợi ích chung của doanh nghiệp, công đoàn và cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời tăng cường đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.