Vết xe đổ của những “cựu Apple”

Humane trình làng AI Pin

Khi Humane trình làng AI Pin, chiếc ghim cài có trí tuệ nhân tạo, người ta ví sản phẩm này mang tính cách mạng như “iPhone trong thời đại AI”. Theo những gì được giới thiệu trong buổi ra mắt, AI Pin là một “nền tảng phần mềm và thiết bị độc lập được xây dựng từ đầu với AI”. Người dùng không cần kết nối sản phẩm này với điện thoại thông minh nhưng vẫn có thể gọi điện, nhắn tin, chụp ảnh, quay video, nghe nhạc, nhận chỉ đường, và nhiều thứ khác. Đồng thời chúng khá nhỏ gọn, có thể kẹp vào những thứ như áo khoác, túi xách, v.v..

Thành thật mà nói, AI Pin có khởi đầu không mấy suôn sẻ. Nhiều người cho rằng đây là thứ đồ không cần thiết. Nhà bình luận nổi tiếng Marques Brownlee trên YouTube nhận xét rằng món đồ này dùng rất tệ. Tuy nhiên điều đáng lo ngại hơn là hiệu suất kém của thiết bị này. Vậy nên công chúng không khỏi nghi ngờ khi Humane hứa hẹn rằng AI Pin sẽ vượt xa những gì công nghệ có thể đạt được ở thời điểm hiện tại.

Tình huống này khiến nhiều người nhớ đến General Magic những năm 1990. Hai sản phẩm này tương đồng về nhiều thứ, cả văn hóa, tầm nhìn, cho đến cách phát triển.

Hai công ty đều do những người từng làm việc ở Apple xây dựng nên. Do đó họ đã đưa văn hóa của Apple, bao gồm cả những điểm mù, vào tầm nhìn và sản phẩm của mình, rồi đến việc cho ra mắt sản phẩm một cách vội vã, không mấy ấn tượng.

Đã từ rất lâu, Apple nhận ra rằng thiết kế và phần cứng là điều rất quan trọng. Đồng thời nếu tích hợp được phần cứng và phần mềm thì nhiều người sẽ dùng máy tính hơn. Tuy nhiên cách tiếp cận này đôi khi khiến Apple gặp khó khăn khi định hình tương lai, chủ yếu vì Apple tập trung vào phần cứng, còn các ứng dụng thì dùng của các bên thứ ba có sẵn. Phần lớn thành công của Apple nhờ vào việc họ có mối quan hệ rất tốt đối với lập trình viên.

Khi một người nhảy việc, đó không chỉ là sự chuyển việc, mà văn hóa công ty cũng chuyển đổi theo. Các startup là tập hợp của nhiều người từng sống với nhiều nền văn hóa công ty khác nhau. Vậy nên người lãnh đạo mới là phần tạo nên văn hóa đặc trưng cho startup. Ở đây, văn hóa “vượt xa thực tiễn” của Apple đã được hai cựu nhân viên áp dụng vào Humane và General Magic.

General Magic là một startup ở Thung lũng Silicon, do Marc Porat và các đồng sự từ nhóm Apple Macintosh thành lập vào đầu những năm 1990. Họ rời Apple để cùng nhau “tạo nên những gì sẽ xuất hiện sau thời đại máy tính cá nhân”. Mục tiêu của họ là phát triển lại viễn thông với công nghệ Magic Link, một thứ được xem là thiết bị liên lạc kiểu mới. Vẻ ngoài và giao diện của Magic Link, thậm chí cách hoạt động, đều rất giống Mac, nhưng nhỏ hơn và tập trung vào các chức năng giao tiếp hơn.

Tương tự vậy, Humane đang muốn biến AI Pin thành phiên bản thu nhỏ của iPhone. Bộ đôi sáng lập Humane là Imran Chaudhri (cựu nhân viên thiết kế làm việc 19 năm tại Apple) và Bethany Bongiorno (cựu giám đốc kỹ thuật phần mềm trong 8 năm, quản lý iOS, Mac OS và các sản phẩm gốc của iPad).

Chaudhri nổi tiếng là người thiết kế nên giao diện lưới trên iPhone. Đây là bố cục rất tốt cho việc xem và sắp xếp ứng dụng, nhưng không ổn về mặt tương tác và khả năng hiển thị.

Chính vì vậy trong sản phẩm AI Pin lần này, Humane đang cố gắng giải quyết vấn đề về cách tổ chức và tương tác phẳng của iOS bằng cách loại bỏ các cách sắp xếp trực quan. Thay vào đó, họ sử dụng AI để làm chất kết dính, gắn kết các ứng dụng lại với nhau.

Tuy nhiên AI chưa đủ mạnh để làm tốt nhiệm vụ này. Đồng thời AI Pin vẫn cần ứng dụng cung cấp thông tin về hình ảnh và ngữ cảnh để AI biết được nên điều khiển sản phẩm này như thế nào.

Nếu xem kỹ đoạn phim tài liệu về General Magic, người xem sẽ thấy được lịch sử của sản phẩm Magic Link, cũng như khoảng cách giữa lý thuyết (những gì nhóm sáng lập hình dung) và thực tiễn (những gì được sản xuất và sử dụng thực tế).

Vết xe đổ của những “cựu Apple”

General Magic do cựu nhân viên Apple thành lập

Ở thời điểm đó, General Magic bị hạn chế bởi công cụ. Hay nói cách khác, trong những năm 1990, bản phác thảo của Magic Link là một thứ của tương lai, thế nhưng công nghệ có sẵn lại không làm được. Vậy nên khi ấy nhóm sản xuất tin rằng chưa đến lúc tung Magic Link ra thị trường. Thế nhưng phía doanh nghiệp gây áp lực buộc sản phẩm xuất xưởng.

Về AI Pin, chưa ai chắc chắn liệu Humane có đang chịu áp lực tương tự hay không. Nhưng rõ ràng là AI Pin chưa hoàn thiện. Thiếu sót lớn nhất của sản phẩm này là phần AI bị chậm, đồng thời pin sản phẩm (kể cả có tích hợp pin dự phòng) cũng không đủ dùng.

Bộ sậu General Magic muốn đưa sản phẩm đến khán giả đại chúng, nhưng phần lớn lại dựa vào trực giác của mình. Điều này một phần bắt nguồn từ văn hóa do cố CEO Steve Jobs của Apple đưa ra. Phương châm của ông là “mọi người chẳng biết mình muốn gì, cho đến khi có người đưa cho họ”. Điều này vô hình trung ảnh hưởng đến lối suy nghĩ của các nhân viên Apple về sản phẩm lẫn con người.

Với sản phẩm của mình, General Magic đánh mục tiêu vào “couch potato” (những người dành nhiều thời gian ngồi trên ghế xem TV mà không hoạt động gì). Thế nhưng họ lại không theo đuổi nhiệm vụ một cách nghiêm túc.

Nếu Apple có đủ khả năng để đi theo học thuyết của Jobs, vì họ có phần cứng tốt, có cơ sở hạ tầng công ty, có các đối tác phần mềm, biết giáo dục thị trường, có doanh thu và nhiều thứ khác, thì General Magic lại không. Vậy nên kết quả cuối cùng, Magic Link đã thất bại.

Có vẻ như AI Pin của Humane cũng đang lặp lại vết xe đổ. Chúng đều được tạo ra bởi những người có quá nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ, nhiều đến mức khiến họ không nhận ra rằng tầm nhìn của họ còn cách hiện thực của đại chúng quá xa.

Nhìn chung, ngành công nghệ là nơi các công ty cho ra mắt những phiên bản sớm và những hứa hẹn về cải tiến trong tương lai. Nhiều người chấp nhận theo đuổi công nghệ, dù chỉ là sơ khai, vì tiềm năng chúng có thể đem lại. Thế nhưng sau cùng, điều tối ưu nhất là tìm được thứ phù hợp. Và để làm được điều này, các công ty phải biết thế giới đang cần gì.

Một sự đổi mới có hiệu quả phải bắt đầu từ việc công ty đó hiểu được các hạn chế trong văn hóa nội bộ của mình và vượt qua chúng, đồng thời dành thời gian nghiên cứu với khách hàng trước khi phát triển sản phẩm. Trong khi đó, những trường hợp như Magic Link hay AI Pin, chúng là sản phẩm lồng ghép giữa văn hóa mỗi công ty và “di sản” của Apple. Và như câu chuyện của Magic Link, dường như đây là một công thức không mấy hiệu quả.

Sau màn ra mắt sản phẩm gây thất vọng, có tin đồn rằng Humane được rao bán. Không thể phủ nhận Chaudhri và Bongiorno có tầm nhìn rộng và sáng tạo cho tương lai của AI Pin. Bằng chứng là họ kiếm được đối tác, được hỗ trợ vốn, được định giá 850 triệu USD. Nhưng cuối cùng khi ra mắt, mọi thứ không như ý.

Câu chuyện trên minh chứng cho một sự thật rằng trong xu hướng phát triển các sản phẩm AI cá nhân, một sản phẩm hiệu quả là sản phẩm hữu ích với người dùng ở thời điểm hiện tại, chứ không phải tương lai.