Mới đây, Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư Do Ventures đã công bố “Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới sáng tạo 2024”.

Những xu hướng đầu tư ngành công nghệ của Việt Nam

Các đại biểu tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2024. Ảnh: MPI.

Mục tiêu của báo cáo mang lại cái nhìn tổng quan về bối cảnh đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam trong năm 2023 vừa qua và thể hiện các cam kết của Chính phủ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Theo báo cáo, ngay cả khi các giao dịch trong lĩnh vực khởi nghiệp công nghệ đang ảm đạm trên toàn thế giới và khu vực, Việt Nam vẫn chứng kiến hoạt động vốn tăng lên nhờ sự quan tâm từ các thương vụ thâu tóm và sáp nhập (M&A) cao hơn từ cả nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Báo cáo ghi nhận năm 2023, các công ty khởi nghiệp Việt Nam nhận được tổng số vốn đầu tư là 529 triệu USD, giảm 17% so với năm trước. Sự sụt giảm này cho thấy bối cảnh đầu tư công nghệ tại Việt Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế nhiều biến động trên toàn cầu.

Tuy nhiên, đã có những xu hướng đáng khích lệ cho ngành công nghệ của Việt Nam trong năm qua. So với mức giảm 35% của tổng số vốn đầu tư mạo hiểm trên toàn cầu, mức giảm 17% cho thấy thị trường Việt Nam vẫn đang vững vàng trước nhiều thách thức trên thị trường vốn. 

Tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí thứ ba về số lượng thương vụ đầu tư và giành lại vị trí thứ ba về tổng giá trị đầu tư. Trong khi đó, Singapore dẫn đầu cả về số lượng thương vụ và tổng giá trị đầu tư, theo sau là Indonesia.

Lĩnh vực y tế nhận được số vốn cao kỷ lục, tăng vọt 391% so với cùng kỳ năm trước, trở thành lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất. Lĩnh vực giáo dục cũng nhận số vốn cao nhất từ trước tới nay, tăng 107% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2023, đã có gần 100 quỹ rót vốn vào các công ty khởi nghiệp Việt Nam, trong đó các nhà đầu tư năng động nhất đến từ Singapore, theo sau là các nhà đầu tư trong nước.

Những xu hướng đầu tư ngành công nghệ của Việt Nam

Thương vụ Masan thâu tóm Trusting Social là một thương vụ đình đám nhất năm 2023.

Một số các thương vụ M&A điển hình từ các nguồn vốn ngoại như Tập đoàn Sea Limited mua lại Foody và Giao Hàng Tiết Kiệm, PropertyGuru mua lại Batdongsan.vn và Ant Financial mua lại eMonkey, ngoài ra còn có một số thương vụ lớn mà công ty Việt Nam mua lại các công ty khởi nghiệp trong những năm gần đây.

Bên cạnh đó, không chỉ các công ty công nghệ hàng đầu như FPT và MoMo đầu tư vào các công ty khởi nghiệp nhỏ hơn, các tập đoàn lớn của địa phương như VinGroup, Masan Group và Sovico Holdings cũng tăng cường năng lực công nghệ và kỹ thuật số thông qua các thương vụ M&A. Một trong những thương vụ mua lại lớn nhất là khoản đầu tư kiểm soát của Tập đoàn Masan vào công ty chấm điểm tín dụng Trusting Social.

Báo cáo đánh giá: “Dòng vốn FDI mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi các hiệp định thương mại thuận lợi, tạo môi trường thuận lợi cho các hoạt động IPO và M&A tại Việt Nam. Nó tăng cường sức hấp dẫn của thị trường, khả năng tiếp cận vốn và thúc đẩy môi trường đổi mới và hợp tác chiến lược, thúc đẩy tăng trưởng bền vững trong bối cảnh IPO và M&A”.

Những xu hướng đầu tư ngành công nghệ của Việt Nam

Nhiều tín hiệu tích cực cho sự gia tăng các thương vụ M&A công nghệ tại Việt Nam.

Ngoài ra, sự tăng cường gần đây trong quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Mỹ, dưới hình thức Đối tác chiến lược toàn diện, cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dòng vốn đầu tư mới khổng lồ từ Mỹ vào Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới trong lĩnh vực kỹ thuật số. “Đây là tín hiệu tích cực cho sự gia tăng các thương vụ M&A công nghệ”, báo cáo cho biết thêm.

Tuy nhiên, chặng đường phía trước của hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn rất nhiều thách thức. Theo báo cáo, công nghệ vẫn là một trong những lĩnh vực ít hoạt động nhất về mặt giao dịch M&A. Riêng năm 2023 chỉ có 5 thương vụ thâu tóm, thấp nhất trong vòng hơn một thập kỷ vừa qua.

Trong khi đó, nguồn vốn hàng quý tại Việt Nam cũng rơi vào vòng xoáy đi xuống kể từ đại dịch COVID-19 và chỉ đạt 47 triệu USD trong quý 1 năm 2024, giảm mạnh gần 80% so với quý trước ngay cả khi số lượng giao dịch tăng nhẹ, theo thông tin từ Tạp chí DealStreetAsia.

Năm 2024 là năm thứ 4 liên tiếp Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) và Quỹ đầu tư Do Ventures công bố Báo cáo Đầu tư Công nghệ và Đổi mới Sáng tạo Việt Nam với mục tiêu nâng tầm hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam.