Chiến lược “ít tức là nhiều”

Eileen Fisher lại đi theo con đường khác

Chiến lược “Ít”

Có vẻ không quá khi nói hiện đang là thời của thời trang nhanh. Các hãng thời trang nhanh như Shein, Uniqlo, Zara, v.v. đang “làm mưa làm gió” trên thị trường. Mỗi ngày, các hãng này tung ra hàng nghìn mẫu mới. Điều này khiến người tiêu dùng (đặc biệt là phụ nữ) liên tục bị các xu hướng thời trang mới hấp dẫn và móc hầu bao luôn tay.

Thế nhưng giữa cuộc chạy đua số lượng mẫu mã đang sôi động, thương hiệu Eileen Fisher lại đi theo con đường khác. Trong 40 năm qua, bà Eileen Fisher, nhà thiết kế kiêm người sáng lập thương hiệu, luôn theo đuổi việc tạo ra những bộ quần áo đơn giản, khuyến khích khách hàng mua ít đồ hơn, tái sử dụng đồ nhiều hơn.

Khi Eileen Fisher thành lập công ty vào năm 1984, bà chỉ bán đúng 4 loại trang phục: áo tank-top, quần ống rộng, áo sơ mi dài tay và áo vest. Dù chỉ có 4 món, nhưng bà đã thiết kế từng món đồ để chúng có thể có dáng vẻ khác nhau trong những bối cảnh khác nhau.

Khi công ty phát triển hơn, bà và đội nhóm đã tạo ra nhiều kiểu dáng và phong cách hơn. Bắt đầu từ tháng 4 năm nay, mỗi mùa Eileen Fisher sẽ giới thiệu 12 trang phục cơ bản và dễ phối đồ nhất. Nếu so sánh với 6.000 mẫu mà Shein tung ra chỉ trong 1 ngày thì con số 12 mẫu trong 1 mùa của Eileen Fisher quả là “siêu siêu ít”.

Eileen Fisher không phải là công ty duy nhất sử dụng chiến lược ít. Nổi tiếng nhất của chiến lược này chính là Apple thời Steve Jobs. Dưới thời của Steve Jobs, bất chấp các đối thủ thi nhau tung ra đủ loại mẫu mã máy tính đa dạng, Apple chỉ có 1 mẫu iMac 3 với vài mầu cơ bản. Sang đến iMac 4 rồi iMac 5 thì chỉ còn 1 mẫu và 1 màu trắng duy nhất. Mặc kệ các đối thủ như Samsung hay Nokia với đa dạng kiểu dáng thì iPhone chỉ có 1 hoặc 2 mầu.

Gần đây hơn thì có thương hiệu giầy thể thao Allbirds cũng “ít” tương tự. Nếu Nike gây sốt thế giới và làm phong phú kho hàng của mình với hơn 100 mẫu sneaker mới mỗi năm, đa dạng màu sắc, phiên bản, thậm chí hợp tác với nhiều người nổi tiếng và nhiều thương hiệu khác, thì Allbirds chỉ kinh doanh 3 mẫu giày, mỗi mẫu 10 màu. Cách làm này của Allbirds và Eileen Fisher kể trên rất giống nhau.

“Ít nhưng nhiều”

Tuy số lượng ít nhưng sản phẩm của Apple lại mang tới cho người dùng nhiều trải nghiệm. Đồ Apple thời đó nổi tiếng là chỉn chu, tinh tế và rất đẹp, từ ngoại hình cho tới đồ họa phần mềm.

Với Eileen Fisher, tuy chỉ có 12 món đồ, nhưng hãng này lại mang đến cho người dùng nhiều kiến thức phối đồ để họ có thể phối ra được nhiều bộ đồ với chỉ 12 món đồ đó. Thương hiệu này còn kết hợp với công ty thử đồ ảo Veesual tung ra công cụ kỹ thuật số có tên The Closet. Về cơ bản, The Closet có 8 người mẫu ảo với các kiểu dáng cơ thể khác nhau. Người dùng có thể chọn người mẫu có hình thể giống mình và cho người mẫu mặc thử các bộ đồ, để xem thử liệu món đồ ấy hoặc cách phối đồ ấy sẽ như thế nào nếu mặc trên người mình. 

Với những người đứng đầu của Eileen Fisher, theo đuổi mục tiêu giúp khách hàng không mua sắm quá nhiều không phải là công thức dẫn đến thất bại. Thay vào đó, nó giúp họ có được nền tảng khách hàng trung thành, yêu thích các sản phẩm đơn giản nhưng bền và dùng linh hoạt của họ. Hay nói cách khác, họ giữ khách bằng sự “nhiều trải nghiệm”.

Ở chiều ngược lại, thương hiệu giầy Allbirds, bên cạnh việc ít đồ, họ lại không trình làng được cái “nhiều” nào của mình. Sau vài năm gây ấn tượng với thị trường, thương hiệu này hiện đang lâm vào khủng hoảng.

NHƯ VẬY LÀ

Không phải cứ ngược dòng, “ít” là dễ thành công. Muốn thành công, “ít” ở điểm này thì phải có “nhiều” ở điểm khác.