Muốn được miễn tội như cấp trên
Trong số trên có ông Trần Thanh Phong, cựu Phó trưởng phòng Tài chính kế toán, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương. Hồi tháng 1, ông Phong bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Dù được hưởng án treo, dưới khung truy tố, nhưng ông Phong vẫn kháng cáo với hy vọng giảm nhẹ hình phạt.
"Bị cáo được hưởng án treo, vậy xin giảm nhẹ là giảm nhẹ đến mức nào nữa?", chủ tọa hỏi bị cáo. Đáp lời, cựu cán bộ CDC tỉnh Bình Dương cho biết mong muốn được miễn trách nhiệm hình sự.
Lý giải cho đề nghị của mình, ông Phong dẫn trường hợp ông Nguyễn Thành Danh, cựu Giám đốc CDC Bình Dương. Tại phiên sơ thẩm vừa qua, ông Danh được miễn trách nhiệm hình sự vì "không tư lợi", nhiều lần kiên quyết từ chối lợi ích từ Công ty CP công nghệ Việt Á (gọi tắt là Công ty Việt Á).
"Bị cáo là cấp dưới, chỉ làm theo lệnh lãnh đạo, giờ lãnh đạo được miễn trách nhiệm hình sự, bị cáo cũng xin được tòa ra phán quyết tương tự", ông Phong nói.
Một bị cáo khác là Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty VNDAT. Hồi tháng 1, ông Giang bị TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 30 tháng tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Ông Giang bị khởi tố vào tháng 12.2021, bị áp dụng biện pháp tạm giam, đến nay đã 29 tháng, nhưng bị cáo vẫn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.
Chủ tọa đặt vấn đề thời gian trên đã gần đủ để chấp hành xong hình phạt, liệu bị cáo có giữ kháng cáo nữa không. Ông Giang khẳng định vẫn giữ nguyên kháng cáo, đồng thời cho hay bản thân còn bị truy cứu ở vụ án cũng liên quan đến kit test Việt Á xảy ra trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.
Công ty Việt Á muốn đòi khoản nợ ngàn tỉ
Ngoài các bị cáo, Công ty Việt Á cũng có đơn kháng cáo, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét nhiều nội dung liên quan đến các tài khoản và tài sản của doanh nghiệp.
Đại diện Công ty Việt Á cho hay, bản án sơ thẩm tuyên tịch thu hơn 630 tỉ đồng là tiền của công ty, vì cho rằng thu lợi bất chính từ hành vi vi phạm đấu thầu. Phán quyết này theo đại diện doanh nghiệp là "không có căn cứ", bởi thực tế công ty sử dụng kết quả do mình nghiên cứu, chứ không phải kết quả từ đề tài sử dụng ngân sách nhà nước, để sản xuất kit test Covid-19.
Cũng theo công ty, trong số các đơn vị mà Việt Á bán kit test, ngoài các cơ sở y tế sử dụng ngân sách còn có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tư nhân, không thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về đấu thầu, chỉ là giao dịch dân sự. Vì thế, bản án sơ thẩm xác định công ty thu lợi bất chính và tịch thu toàn bộ số tiền nêu trên là không hợp lý.
"Vậy theo bà, tịch thu bao nhiêu là hợp lý?", chủ tọa đặt câu hỏi. Đại diện Công ty Việt Á đề nghị được trả lại toàn bộ số tiền, nếu đơn vị nào có yêu cầu bồi thường thì công ty sẽ chi trả.
Một nội dung kháng cáo nữa được Công ty Việt Á đề nghị, đó là khoản nợ khoảng 1.200 tỉ đồng của 80 đơn vị đã mua kit test nhưng đến nay chưa trả. Doanh nghiệp này muốn tòa phúc thẩm tuyên buộc phía đối tác phải trả tiền cho mình.
Hội đồng xét xử cho hay, việc nợ nần giữa hai bên là giao dịch dân sự, không liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo, vì thế tòa không xem xét. Công ty Việt Á có quyền khởi kiện dân sự với những đơn vị còn nợ tiền kit test của mình.
Đề nghị cuối cùng được doanh nghiệp này đưa ra trong kháng cáo, là việc các tài khoản ngân hàng của Công ty Việt Á và các công ty trong hệ thống vẫn đang bị phong tỏa. Việc này khiến doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, không thể rút tiền để duy trì các hoạt động kinh doanh. Qua phiên tòa, đại diện công ty mong muốn hội đồng xét xử kiến nghị tới cơ quan điều tra gỡ lệnh phong tỏa đối với các tài khoản vừa nêu.