Phát biểu tại hội thảo, GS-TS Tạ Ngọc Tấn, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận T.Ư, cho rằng thực tiễn phát triển đất nước nói chung và tại TP.HCM nói riêng những năm qua cho thấy ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp. Ngoài ra, tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng. Số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp. Không những vậy, thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đất đai vẫn chưa được khai thác, sử dụng thực sự hiệu quả để trở thành nguồn lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Ông Phùng Quốc Hiển, nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nhận định TP.HCM đang đứng trước những thách thức rất lớn, mà vấn đề đất đai là một trong số đó. Đơn cử, TP đang thiếu đất cho giao thông, nhà ở, giáo dục và đặc biệt là dành cho công nghiệp công nghệ cao, thiếu quỹ đất dành cho công nghệ cơ khí, chế tạo… nên khả năng thu hút đầu tư của TP, nhất là nguồn vốn FDI đang có xu thế chậm lại. TP cũng đang thiếu các dự án lớn để bứt phá.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng giá đất của TP.HCM đang quá cao so với các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa-Vũng Tàu và nếu giá đất cứ như thế này thì sẽ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất, giá thành sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư.
"Nếu cứ thế này có khi đất ở TP.HCM đắt ngang với Hồng Kông và cứ đà này thì sẽ cản trở sự đầu tư phát triển của TP. Không chỉ vậy, ở TP.HCM, người dân và doanh nghiệp còn khó khăn trong việc xác nhận quyền sở hữu", ông Phùng Quốc Hiển lo ngại.
Thực tế, theo thống kê, TP còn 80.000 tỉ đồng không thu được vì số lượng nhà đất chưa được cấp sổ hồng. Trong đó, việc xác định giá đất cũng là vấn đề, xác định bằng cách nào, vào thời điểm nào cũng là câu chuyện đang được đặt ra.
Do vậy, theo ông Hiển, TP.HCM nên sử dụng công cụ kiểm kê công tác sử dụng đất; rà soát lại quy hoạch đô thị, về công tác quản lý sử dụng đất cho tầm nhìn đến năm 2050 hoặc hơn nữa. Cũng cần bố trí lại cơ cấu đất đai cho phù hợp cơ cấu kinh tế và điều chỉnh cho bằng được tình trạng mất cân đối. Tập trung giải quyết dứt điểm pháp lý cho doanh nghiệp, người dân về quyền sở hữu đất và quyền thuê đất trên toàn địa bàn TP, đảm bảo lợi ích hài hòa giữa Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần tập trung giải quyết dứt điểm vấn đề định giá đất.
Tăng cường kiểm tra việc sử dụng đất
Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, thời gian qua TP phát huy nguồn lực đất đai cho TP và cho cả nước là rất lớn. Tuy nhiên, trong thực tế, quản lý đất đai còn rất nhiều bất cập, đó là hàng trăm văn bản luật liên quan đến luật Đất đai còn chồng chéo. Việc quy hoạch, lập kế hoạch thiếu đồng bộ, thiếu minh bạch và quản lý thực hiện quy hoạch rất khó khăn, thường bị phá vỡ, nhiều nơi còn bị khoét lỗ quy hoạch. Giá đất không theo kịp giá thị trường, giao dịch ảo là phổ biến, khiến thất thu ngân sách rất lớn. Quản lý nhà đất có nhiều thiếu sót gây lãng phí lớn. Về quy hoạch, thực hiện quy hoạch cũng chưa tốt, quy hoạch theo hướng đa trung tâm nhưng thực tế chỉ thu hút về một trung tâm chính là chủ yếu.
Để khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP.HCM, cho biết TP đang thuê tư vấn lập bảng giá đất sát giá thị trường làm sao minh bạch, rõ ràng dễ hiểu, dễ áp dụng, tạo nguồn thu về đất đai minh bạch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư triển khai dự án. Đất kinh doanh dịch vụ sẽ xác định theo giá đất cụ thể, còn lại xác định theo bảng giá đất để tính tiền sử dụng đất. Khi đó sẽ minh bạch, rõ ràng và rất cụ thể. Thực tế việc luật Đất đai sớm có hiệu lực sẽ thực hiện được việc phân quyền, phân cấp. Nếu có hiệu lực sớm thì các quy định sớm đi vào cuộc sống nhưng làm sao các nghị định phải ban hành song hành với luật Đất đai để giảm ách tắc, sớm đi vào đời sống, đảm bảo địa phương có cơ sở để thực hiện.
Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải cho biết Thành ủy TP.HCM đã triển khai đề án "Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TP.HCM". Trong đó, TP tập trung thực hiện quy hoạch sử dụng đất, thực hiện chuyển đổi số trong quản lý đất đai, đổi mới công tác tài chính đất đai, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất… Tuy nhiên, với nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan lẫn chủ quan, công tác này vẫn còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Do vậy, những kết quả nghiên cứu tâm huyết, kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn của các bộ ngành, địa phương, nhà khoa học, các chuyên gia... sẽ là cơ sở để các cơ quan quản lý tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển thành phố nói riêng; góp phần xây dựng TP.HCM hiện đại, nghĩa tình, đóng góp ngày càng lớn cho đất nước.
Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đang phối hợp đề nghị áp dụng sớm 6 tháng kể từ ngày 1.7.2024 đối với luật Đất đai 2024, luật Nhà ở 2023, luật Kinh doanh bất động sản 2023 và dự kiến xem xét 2 dự thảo Nghị quyết thí điểm của Quốc hội gồm "Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất mà đất đó không phải là đất ở" và "Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm thực hiện tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với đối tượng thí điểm là các dự án đầu tư công nhóm B, C".
Nếu được Quốc hội thông qua sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, xử lý được các vướng mắc của thực tiễn và đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM)