Hiện nay, giá vé máy bay tăng đã ảnh hưởng đến rất nhiều nhu cầu đi lại của người dân. Ghi nhận dịp cao điểm nghỉ lễ gần đây, nhiều sân bay vắng vẻ hơn. Các doanh nghiệp hàng không nào cũng nhận ra điều này nhưng lại “lực bất tòng tâm”, không kiểm soát được giá cả đầu vào.
Theo các doanh nghiệp, chi phí hàng không phụ thuộc 60 - 65% từ thuế mua máy bay, bảo dưỡng, xăng dầu, 15 - 20% là các loại thuế phí quản lý, chi phí quản lý, nhân sự của các hãng chiếm từ 10 - 15%.
Hình thành mặt bằng giá mới
Theo ông Đặng Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, giá vé máy bay hiện tăng từ 15 - 20%. Nguyên nhân khiến giá vé máy bay tăng được ông Tuấn cho biết trước tiên là do chi phí nhiên liệu, thiết bị bay tăng 76-77%. Các khoản chi phí này nằm ngoài tầm kiểm soát không chỉ riêng của Vietnam Airlines, mà cả các hãng hàng không khác.
Ví dụ, với xăng, so với năm 2019, mặt hàng giá xăng năm nay tăng 5.700 tỷ đồng và chi phí tỉ giá biến động tăng thêm 4.700 tỷ đồng. Tổng mức tăng do chi phí nhiên liệu lên tới khoảng 11.000 tỷ đồng. Khoản tăng này nằm ngoài tầm kiểm soát của Vietnam Airlines cũng như tất cả các hãng hàng không.
Ngoài ra, các xung đột địa chính trị, chuỗi cung ứng đứt gãy cũng khiến phát sinh nhiều vấn đề và chi phí cho các hãng. Cụ thể như trước đây, để sửa chữa bảo hành một chiếc máy bay mất khoảng 150 ngày thì hiện tại đến 200-300 ngày, thậm chí đến 1-1,5 năm. Thời gian bảo trì kéo dài khiến chi phí vận hành cũng tăng cao...
Trong khi đó, đại diện Bamboo Airways, ông Trương Việt Cường, Phó Tổng Giám đốc đánh giá, nguyên nhân đầu tiên là chi phí thuê máy bay tăng. Chi phí thuê máy bay chiếm từ 55-60% tổng chi phí cấu thành giá vé tùy từng giai đoạn và tùy hãng hàng không.
Nhóm thứ 2 là chi phí theo quy định của Nhà nước, gồm thuế phí và các loại chi phí cho chuyến bay, cả thuế nhập khẩu xăng dầu, thuế VAT,... Ngoài ra còn có chi phí bảo dưỡng tàu bay, chi phí lao động…
Ông Nguyễn Bác Toán, Phó Tổng Giám đốc thương mại Vietjet cho rằng, có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là do tình trạng thiếu tàu bay và linh kiện thay thế do chuỗi cung ứng bị đứt gãy sau dịch COVID-19.
Đặc biệt, vấn đề chi phí nhiên liệu hiện chiếm 40-50% chi phí vận hành của các hãng. Cùng với đó, áp lực thay thế nhiên liệu thân thiện môi trường, khi đến năm 2025 các hãng phải thực hiện theo các chỉ số thế giới về zero carbon, buộc các hãng phải thay đổi, làm chi phí tăng.
Thừa nhận thực tế này, ông Đào Hồng Cẩm, Cục phó Cục Hàng không cho biết, thời gian gần đây giá vé máy bay đã hình thành mặt bằng mới cao hơn khoảng 10% đến trên 20% so với thời điểm trước dịch COVID-19. Qua kiểm tra, giám sát, các hãng không có vi phạm trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước.
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng xem xét ở cả góc độ mức giá vé có vượt quá sức chịu đựng của thị trường, khách hàng hay không? Ở góc độ này thì dải giá vé thấp vẫn chiếm từ 60 - 70% tổng số vé và mức giá ở mức đa số khách hàng có thể tiếp cận được. Sự bức xúc của khách hàng nằm ở phân khúc giá cao. Ở phân khúc này, mức chênh lệch còn tùy hãng và thời điểm bay, mang tính đặc thù cao", ông Cẩm cho biết.
Giảm phí, thuế
Từ thực tế này, đại diện Bamboo Airways cho rằng, cần có mức giá trần linh hoạt theo chi phí xăng dầu, giá cấu thành đầu vào chứ không nên cứng nhắc. Việc quy định giá trần hiện nay không phụ thuộc vào giá dầu, giá máy bay là bất cập.
Cùng với đó, ông Cường kiến nghị giảm 50% phí điều hành bay, điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu xăng dầu để hỗ trợ các hãng trong giai đoạn khó khăn. Giải pháp để có giá vé máy bay rẻ khi bay đêm cũng cần có sự hỗ trợ về thuế phí nhiều hơn nữa…
Theo các doanh nghiệp, chi phí hàng không phụ thuộc 60 - 65% từ thuế mua máy bay, bảo dưỡng, xăng dầu. Điều này trong nước không chi phối được. Khoảng 15 - 20% là các loại thuế phí quản lý. Chi phí quản lý, nhân sự của các hãng chiếm từ 10 - 15%.
Ngoài ra, các địa phương có nguồn thu lớn từ du lịch cũng nên có chính sách hỗ trợ cho du khách. "Đơn cử như chuyến bay đến Côn Đảo, nếu có sự chia sẻ của địa phương thì có lẽ chúng tôi đã không phải ngừng chuyến bay này. Thực tế, dù giá vé rất cao nhưng Bamboo Airways bay không có lãi vì chi phí quá lớn. Các địa phương có thể nghiên cứu chính sách hỗ trợ chi phí trực tiếp cho du khách, cho hành khách mua vé máy bay", ông Cường đề xuất.
Một trong những giải pháp quan trọng khác được doanh nghiệp đề xuất là quy trình điều hành ở cảng. Theo đó, máy bay ngày càng hiện đại, công nghệ ngày càng cao, vận tốc bay nhanh hơn nhưng thực tế hiện nay thời gian bay lại không thể rút ngắn. Một số hãng hàng không phải bay chờ, hạ tầng sân bay cũng như mật độ khai thác quá cao ảnh hưởng rất lớn thời gian bay của các hãng. Nếu thời gian được rút ngắn thì các hãng hàng không có thể khai thác nhiều hơn, tăng doanh thu cao hơn, từ đó chi phí giảm xuống, hàng không cũng đỡ khó khăn hơn.
Ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó Cục trưởng Cục Hàng không, Bộ Giao thông Vận tải - cho rằng: "Đòi hỏi cơ quan quản lý vào cuộc nhưng chúng tôi cũng xác định vào cuộc ở đây là phải mang tính liên ngành, chứ không chỉ mỗi ngành hàng không".
Có thể thấy, việc giảm giá vé máy bay trong ngắn hạn là điều không dễ. Các bên sẽ phải xoay xở với mặt bằng giá mới.
Trước mắt, chỉ có thể phối hợp liên ngành để tăng hiệu quả khai thác, cắt giảm chi phí quản lý dù chiếm tỉ lệ nhỏ. Các hãng hàng không cũng cam kết sẽ đưa ra nhiều chính sách khuyến mãi kích cầu và đề nghị người dân có nhu cầu nên tìm mua vé sớm để có mức giá hợp lý.