Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có xác định mục tiêu “Ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp thân thiện môi trường, phục vụ nông nghiệ. Phát triển dịch vụ logistics, khoa học công nghệ để xây dựng chuỗi sản phẩm nông nghiệp”.
Gia Lai cũng sẽ phát triển hai cửa ngõ quốc tế gồm Cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh là cửa ngõ quan trọng trên Hành lang Đông - Tây kết nối vùng Nam Trung Bộ, Tây Nguyên. Thúc đẩy hợp tác kinh tế - xã hội, văn hoá, an ninh, quốc phòng tại khu vực tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, là đầu mối kết nối hàng hóa, du lịch, dựa trên các dịch vụ về thương mại, du lịch cửa khẩu, logistics, kho bãi, sản xuất nông cụ, chế biến nông, lâm sản và trao đổi văn hoá, triển lãm quốc tế.
Cảng hàng không Pleiku hướng tới là cửa ngõ quốc tế trung tâm trung chuyển hành khách và hàng hoá của tiểu vùng Bắc Tây Nguyên, kết nối tỉnh Gia Lai với các vùng động lực quốc gia, các trung tâm kinh tế lớn trong nước và mở rộng kết nối quốc tế. Hình thành các chức năng, dịch vụ tiện ích tiêu chuẩn cao như đô thị, logistics, du lịch, thương mại, y tế, thể thao.
Trên thực tế, tỉnh Gia Lai hiện là trung tâm phát triển nông nghiệp mạnh của cả nước, có nhiều mặt hàng nông sản chủ lực có giá trị kinh tế như: Hơn 98.000 ha cà phê, sản lượng hơn 257.000 tấn/năm; hồ tiêu hơn 13.000 ha, sản lượng hơn 47.000 tấn/năm; cao su hơn 88.000 ha với sản lượng mủ khô hơn 123.000 tấn/năm; sắn hơn 81.000 ha, sản lượng đạt trên 1,6 triệu tấn/năm; khoảng 21.000 ha trái cây các loại (phần lớn là chuối gần 5.000 ha, chanh leo hơn 3.000 ha, sầu riêng gần 2.000 ha,..).
Trong đó, một số sản phẩm nông sản có sản lượng rất lớn như cà phê, điều, tiêu, chanh leo… và nhiều loại nông sản khác là nguồn nguyên liệu phong phú cho chế biến và xuất khẩu hàng nông sản của tỉnh.
“Nhu cầu về logistics, đặc biệt là các dịch vụ logistics hỗ trợ bảo quản, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Gia Lai rất lớn. Mặc dù vậy, do những khó khăn về địa hình, nguồn vốn đầu tư nên hiện nay ngành logistics của tỉnh Gia Lai phát triển còn hạn chế, khó khăn”, ông Nguyễn Hữu Quế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai từng chia sẻ.
Trong khi đó, Gia Lai hiện chỉ có 2 phương thức vận tải chính là đường bộ và đường hàng không nên hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh chủ yếu gồm hạ tầng đường bộ, hạ tầng đường hàng không và hạ tầng kho bãi. Nhưng năng lực khai thác của hệ thống đường bộ trên địa bàn thấp, chưa có đường bộ cao tốc; hệ thống các công trình hạ tầng giao thông còn thiếu tính đồng bộ. Kết nối với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh/O Ya Dao thông qua Quốc lộ 19 còn hạn chế; chưa có hạ tầng phục vụ để hình thành trung tâm logistics của tỉnh và của vùng (gồm cả các cảng cạn ICD).
Nói như ông Phạm Văn Binh, Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai, các loại hình dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh có quy mô tương đối nhỏ lẻ, loại hình dịch vụ đơn giản, chưa có tính liên kết cao, chưa mang lại giá trị gia tăng lớn; chủ yếu là các hoạt động vận tải, chuyển phát hàng hóa đơn lẻ hoặc dịch vụ thuê kho, bãi. Các dịch vụ khác như: Hỗ trợ bảo quản (kho lạnh, sấy nhiệt, chiếu xạ…), đóng gói, hỗ trợ thủ tục hải quan, giao nhận, phân tích và kiểm định kỹ thuật… hầu như chưa có doanh nghiệp đầu tư kinh doanh.
Do đó, chuyên gia đánh giá, việc xây dựng và hình thành các trung tâm logistics gắn với hệ thống cảng cạn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả của ngành logistics,tạo điều kiện thực hiện các mục tiêu và khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển hoạt động logistics.
Để đạt được điều này, cần sự quan tâm chỉ đạo từ Chính phủ và các Bộ ngành. Hỗ trợ và quan tâm chỉ đạo đến tỉnh Gia Lai trong việc xây dựng Trung tâm Logistics hạng II thuộc khu vực Tây Nguyên và hướng ra các tỉnh duyên hải là một yếu tố quan trọng. Điều này giúp tạo ra một cơ sở hạ tầng Logistics hiện đại và đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong khu vực.
Tỉnh Gia Lai cần kết nối với cơ sở hạ tầng và các khu vực khác cũng là một yếu tố quan trọng trong việc xây dựng Trung tâm Logistics. Kết nối với các cảng cạn, cảng biển, cảng hàng không, nhà ga, bến xe và các khu công nghiệp, cửa khẩu thuộc các tỉnh lân cận sẽ tạo ra một chuỗi cung ứng và dịch vụ Logistics liên kết. Điều này giúp nâng cao sức cạnh tranh, cung cấp chất lượng dịch vụ tốt hơn và giảm chi phí cho các doanh nghiệp.
Ngoài ra, phát triển lưu thông hàng hóa và thương mại cũng đóng vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng Trung tâm Logistics. Đẩy mạnh lưu thông hàng hóa và phát triển các hình thức thương mại truyền thống, thương mại quốc tế và thương mại điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và giúp tỉnh Gia Lai mở rộng thị trường tiêu thụ. Hỗ trợ tỉnh Gia Lai trong việc phát triển các hình thức thương mại và liên kết vùng là một yếu tố quan trọng để hội nhập quốc tế và tạo động lực cho sự phát triển kinh tế của tỉnh.
Từ đó, để nâng cao hiệu quả hoạt động Logistics và xây dựng Trung tâm Logistics tại tỉnh Gia Lai, cần thực hiện các biện pháp như điều phối và kết nối dịch vụ Logistics, hướng dẫn thủ tục hành chính, quan tâm chỉ đạo từ Chính phủ và các bộ, ngành, kết nối với cơ sở hạ tầng và các khu vực khác, phát triển lưu thông hàng hóa và thương mại.
Đồng thời, để huy động nguồn lực xã hội vào hạ tầng logistics, tỉnh Gia Lai cần huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước để phát triển hệ thống trung tâm logistics. Khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý khai thác các trung tâm logistics. Khuyến khích đầu tư và phát triển dịch vụ logistics, gồm cả hoạt động của trung tâm logistics chuyên dụng gắn với hàng hóa nông sản...