Thông tin từ  Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu tiêu chuẩn 5% tấm của Việt Nam trong ngày 4/3 tiếp tục điều chỉnh giảm thêm 16 USD, xuống mức 578 USD/tấn; gạo 25% tấm giảm 15 USD còn 555 USD/tấn; gạo 100% tấm giảm 20 USD còn 478 USD/tấn.

Giá gạo liên tục giảm, doanh nghiệp cần làm gì?

Từ giữa tháng 2 đến nay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu Việt Nam đã liên tục giảm gần 60 USD/tấn và giảm 85 USD/tấn so với đỉnh 663 USD/tấn vào tháng 12/2023.

Tâm lý chờ giá tốt

Như vậy, từ giữa tháng 2 đến nay, giá gạo 5% tấm xuất khẩu Việt Nam đã liên tục giảm gần 60 USD/tấn và giảm 85 USD/tấn so với đỉnh 663 USD/tấn vào tháng 12/2023. 

Theo VFA, việc giá gạo xuất khẩu giảm do các nước vào vụ thu hoạch chính, nguồn cung dồi dào nên nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng. Cụ thể, tại Việt Nam, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (vựa lúa lớn nhất của Việt Nam) đang thu hoạch rộ vụ Đông xuân. Việc giá gạo xuất khẩu giảm đã tác động tới giá lúa gạo trong nước. Theo đó, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với thời điểm trước Tết Nguyên đán.

Mặc dù, giá lúa gạo xuất khẩu giảm liên tục nhưng các chuyên gia cho rằng đây chỉ là xu hướng trong ngắn hạn và sẽ không giảm quá sâu do nhu cầu lương thực thế giới vẫn rất cao trong khi nguồn cung hạn chế vì tác động của biến đổi khí hậu.

Cụ thể, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 8,6 triệu tấn gạo trong năm 2024. Các quốc gia nhập khẩu hàng đầu là Philippines, Indonesia, Trung Quốc đều có kế hoạch tăng nhập khẩu gạo trong năm nay. Trong đó Philippines được dự báo sẽ nhập khẩu kỷ lục 3,8 triệu tấngạo; Indonesia cũng lên kế hoạch nhập khẩu khoảng 3,6 triệu tấn gạo. Ngoài ra, còn có trường hợp Trung Quốc, sau thời gian dài dừng nhập khẩu và sử dụng gạo dự trữ cũng đã bắt đầu có kế hoạch nhập khẩu gạo trở lại. Trong khi đó, Ấn Độ là nước có sản lượng gạo lớn nhất thế giới vẫn tiếp tục chính sách hạn chế xuất khẩu nhằm ổn định giá lương thực trong nước.

Theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, giá xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục giảm do đang bước vào mùa vụ thu hoạch chính, nguồn cung dồi dào. Trong khi đó, các đối tác cũng quá am hiểu tình hình sản xuất của Việt Nam nên chủ động mua chậm lại.

“Họ canh mình để chờ giá gạo giảm vì doanh nghiệp muốn bán nhanh phải giảm giá. Phía doanh nghiệp cũng dè chừng vì tiềm lực có hạn và cũng xem thị trường thế nào mới quyết định mua vào nên tất cả đều chậm”, ông Đôn nói.

Tuy nhiên, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc, khẳng định dù giảm nhưng giá vẫn cao hơn của vụ Đông Xuân năm 2023 và vẫn cao hơn giá của các vụ trước. Đặc biệt, giá lúa hiện nay người dân vẫn có lãi khoảng 60% theo giá thành sản xuất mà Hiệp hội tài chính đã công bố là khoảng 4.000 đồng/kg và giảm trên nền giá cao đột biến.

Đồng quan điểm, bà Phan Mai Hương, chuyên gia thị trường, đồng sáng lập chuyên trang thị trường lúa gạo SS Rice News phân tích, trước hết phải xác định giá gạo xuất khẩu hiện nay thấp hơn so với đỉnh điểm năm 2023 nhưng vẫn cao so với mặt bằng bình quân nhiều năm.

Xu hướng giảm giá gạo gần đây là diễn biến thuận theo quy luật cung - cầu của thị trường. Nhu cầu lương thực thế giới vẫn cao nhưng không cấp bách như giai đoạn trước. Thêm nữa thời điểm này, các quốc gia sản xuất lúa gạo như Việt Nam, Thái Lan đều đang thu hoạch rộ vụ Đông Xuân, là vụ có sản lượng lớn nhất trong năm, do đó, nguồn cung khá dồi dào. Các nhà nhập khẩu gạo lớn đều nắm rõ thời điểm thu hoạch và sản lượng lúa gạo từ các quốc gia nên họ không vội vàng mua vào mà có tâm lý chờ để trả được giá tốt hơn.

Bám sát diễn biến thị trường

Dự báo giá lúa gạo năm nay khó giảm sâu và sẽ tiếp tục duy trì ở mức tốt do nhu cầu thị trường thế giới vẫn ở mức cao, doanh nghiệp lạc quan cho biết các đối tác lớn như Phillipines, Indonesia... đều thông báo tăng khối lượng nhập khẩu gạo trong năm nay.

Giá gạo liên tục giảm, doanh nghiệp cần làm gì?

Việc giá gạo giảm do các nước đều vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào nên nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng.

VFA cho rằng, không chỉ gạo Việt mà giá gạo cùng phẩm cấp của các nước gồm Thái Lan, Pakistan cũng ghi nhận giảm. Việc giá gạo giảm do các nước đều vào vụ thu hoạch, nguồn cung dồi dào nên nhà nhập khẩu tìm cách trì hoãn đặt hàng.

Theo vị chuyên gia, giá xuất khẩu giảm kéo theo giá lúa gạo nguyên liệu trong nước cũng hạ nhiệt. Đây là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu có thể đẩy mạnh mua vào để dự trữ cho các đơn hàng thời gian tới.

Tuy nhiên, trên thực tế trải qua một năm 2023 nhiều biến động khó lường, không ít doanh nghiệp xuất khẩu gạo thua lỗ nên năm nay họ đang gặp khó khăn về tài chính hoặc thực hiện mua tới đâu bán tới đó, không dám dự trữ nhiều.

“Về cơ bản, các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn phải tự cân đối, quyết định thời điểm mua vào dựa trên hợp đồng xuất khẩu đã ký kết với đối tác. Tuy nhiên, nếu có chính sách hỗ trợ về lãi suất hay nguồn vốn tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp thu mua, dự trữ lúa gạo thì doanh nghiệp sẽ mạnh dạn mua vào, việc tiêu thụ lúa Đông Xuân cho nông dân sẽ nhanh hơn”, bà Phan Mai Hương nhận định.

Đồng quan điểm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc cũng đề xuất, tình hình năm nay có nhiều khó khăn nên bà Thanh Tâm đề nghị các ngân hàng tiếp tục quan tâm, giảm lãi suất, đồng thời nới lỏng các điều kiện cho vay.

Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, đến nay cả nước đã thu hoạch khoảng 3,2 triệu tấn lúa. Cả năm 2024, theo kế hoạch Việt Nam sẽ gieo trồng khoảng 7,1 triệu ha, dự tính sản lượng vẫn trên 43 triệu tấn lúa.

Căn cứ theo nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu năm nay, nếu nhu cầu tăng cao, Bộ NN&PTNT sẽ điều chỉnh theo hướng tăng diện tích vụ Thu Đông lên khoảng 700.000 ha như năm 2023, còn vụ Đông Xuân và Hè Thu nếu tăng cũng không đáng kể.

Theo ông Cường, thị trường lúa gạo có biên độ hẹp và biến động rất nhanh, do đó doanh nghiệp cần chủ động nắm thông tin, dự báo thị trường để chốt giá, chốt hợp đồng xuất khẩu với giá tốt nhất và mang lại lợi ích hài hòa cho doanh nghiệp, cho nông dân sản xuất lúa.

Trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo ước đạt 1,01 triệu tấn mang về giá trị 708 triệu USD, tăng 13,3% về khối lượng và tăng 49,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo xuất khẩu bình quân 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 699 USD/tấn, tăng 32,2% so với năm 2022.