Trước những tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và bất định của toàn cầu, nhiều thị trường lớn trên thế giới, trong đó tiên phong là Liên minh Châu Âu (EU) chính thức thực thi chính sách điều chỉnh biên giới carbon (CBAM). Cơ chế này thúc đẩy các nước khác cập nhật mục tiêu khí hậu và là cách EU khuyến khích các doanh nghiệp ngoài châu Âu giảm thải.
Với CBAM, nguyên tắc doanh nghiệp nào gây ô nhiễm phải trả tiền. Muốn xuất bán hàng hoá, sản phẩm vào châu Âu, doanh nghiệp phải trả phần chênh lệch ô nhiễm khi qua biên giới. Ngược lại, doanh nghiệp không muốn mất phí trên phải điều chỉnh quá trình sản xuất kinh doanh để giảm “dấu chân carbon” trong hàng hoá, sản phẩm.
Một sân chơi lớn không có cơ chế riêng cho từng chủ thể. Các doanh nghiệp đã tham gia sân chơi phải đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn chung.
Từ bối cảnh trên, ông Phạm Văn Thinh - CEO của Deloitte Việt Nam nhận định: Thị trường toàn cầu hiện nay đã thay đổi. Phát triển bền vững và phát triển xanh đang trở thành vấn đề thiết thân với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ có lựa chọn là bước vào cuộc chơi.
Những doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá vào thị trường châu Âu, theo ông Phạm Văn Thinh đã cảm nhận rõ ràng tác động này. Trong tương lai rất gần, nhiều thị trường xuất khẩu trọng điểm khác của Việt Nam cũng sẽ có thay đổi như vậy khi đưa ra những yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe hơn về chuyển đổi xanh.
Bên cạnh đó, những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 là tiền đề quan trọng để Việt Nam thực thi chuyển đổi xanh. Với cam kết này, trong năm qua, Việt Nam tranh thủ được sự giúp đỡ của nhiều nền kinh tế phát triển và đối tác lớn để chuyển đổi nền kinh tế nước ta theo hướng xanh hơn, sạch hơn và phát triển bền vững hơn.
Cùng với những thuận lợi, từ quan sát của mình, CEO của Deloitte Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cũng đối mặt với 3 thách thức.
Thứ nhất, vài năm gần đây chuyển đổi xanh đã được đề cập đến rất nhiều nhưng nhìn về hành động lại chưa nhiều. Có thể trong giai đoạn kinh tế khó khăn vừa qua, doanh nghiệp đang quá quan tâm đến câu chuyện “cơm áo gạo tiền” hàng ngày, phải lo tìm kiếm lợi nhuận, tối ưu lợi nhuận trước khi nghĩ đến chuyển đổi xanh. Đó là cản trở lớn và giai đoạn sắp tới, chuyển đổi từ nhận thức sang cùng nhau hành động để chuyển đổi xanh trở nên quan trọng với doanh nghiệp.
Thứ hai, khó khăn trong nguồn lực để thực thi chuyển đổi xanh, nhất là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đây là bản chất của vấn đề và cần sự hỗ trợ của Chính phủ về mặt tài chính.
Cuối cùng, khó khăn về nguồn nhân lực. Theo báo cáo của Deloitte, có khoảng 1/4 lực lượng lao động trên toàn thế giới bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu khác, một số ngành như khai khoáng chẳng hạn, lực lượng lao động những năm qua đã giảm nhiều.
Tại Việt Nam, khi chuyển đổi xanh kèm theo yêu cầu thay đổi lực lượng lao động phổ thông sang lao động có kỹ năng, tay nghề. Đây là thách thức lớn với doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Tuy nhiên, chuyển đổi xanh cũng tạo ra số lượng việc làm rất lớn đối với doanh nghiệp phát triển bền vững. Ước tính của Deloitte, trên thế giới có khoảng 300 triệu việc làm được tạo ra từ chuyển đổi xanh.
“Rõ ràng, thách thức lớn nhưng cơ hội cũng có nhiều. Vấn đề còn lại là quyết tâm hành động và thực hiện chuyển đổi xanh mà thôi” - ông Phạm Văn Thinh, CEO của Deloitte Việt Nam nhấn mạnh.