Đây là mặt hàng duy nhất thuộc nhóm ngành nông, lâm, thủy sản ngay từ tháng đầu tiên của năm đã cán mốc xuất khẩu 1,5 tỷ USD. Tín hiệu lạc quan hơn khi một số doanh nghiệp gỗ nội thất đã có đơn hàng đến đầu quý 2. Trong đó, thị trường Bắc Mỹ (Mỹ và Canada) được đánh giá có nhiều tiềm năng.
Không chỉ xuất khẩu trực tiếp mà trên sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, gỗ và sản phẩm gỗ có dư địa phát triển tốt, nhất là mặt hàng gỗ nội thất và trang trí nhà cửa. Theo nhận định của sàn thương mại điện tử Amazon, ngành hàng này đã chứng kiến mức tăng trưởng vượt trội trong giai đoạn 2020 - 2022.
Trong danh mục này, các sản phẩm nội thất từ gỗ kích thước lớn như bàn ghế, khung kệ giường, giá tủ, gỗ lát sàn trong nhà và ngoài trời,... chiếm tỷ lệ cao với sự có mặt của nhiều nhà sản xuất lớn. Các thương hiệu Việt, nhất là các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, thời gian thành lập và hoạt động chưa lâu, nguồn lực tài chính tương đối nhỏ được đánh giá là gặp khó trong cạnh tranh. Cạnh tranh không chỉ các thương hiệu nội địa tại Mỹ mà cả các nhà cung cấp nước ngoài như Trung Quốc, Mexico có lợi thế về giá cả, hay vận chuyển.
Cạnh tranh gay gắt nhưng cơ hội giữa thị trường rộng lớn cũng không ít. Trung Bùi, CEO của TIDITA - thương hiệu đồ dùng nhà bếp bằng gỗ cho biết: bằng việc tìm thị trường ngách với sản phẩm nhỏ hơn, chưa được khai thác nhiều, doanh nghiệp có thể tận dụng cơ hội đưa hàng xuất khẩu. Từ hoạt động của mình, đại diện TIDITA chia sẻ: Tìm hiểu nhu cầu khách hàng quốc tế, nhận thấy xu hướng các sản phẩm trang trí nhà cửa mang phong cách vintage đang được ưa chuộng, doanh nghiệp quyết định “chào sân” bằng sản phẩm đồ gia dụng nhà bếp mang hơi hướng “home-decor”. Tệp khách hàng hướng đến là khách hàng Mỹ yêu thích dụng cụ bếp có thiết kế cổ điển, trang nhã, tô điểm không gian sống mà vẫn đáp ứng nhu cầu công năng cao.
Ngoài ra, TIDITA đã tận dụng lợi thế sản xuất của Việt Nam kết hợp với công nghệ, sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới để tiếp cận khách hàng và đáp ứng đơn hàng một cách nhanh nhất, giảm thiểu nhiều rủi ro hậu cần, tinh gọn bộ máy nhân sự...
Dự báo năm 2024, thị trường Mỹ vốn chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của ngành ghi nhận một số tín hiệu lạc quan. Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Chánh Phương - Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP Hồ Chí Minh cho rằng, lãi suất tại Mỹ đi ngang và có chiều hướng giảm giúp lãi suất vay thế chấp hạ nhiệt, góp phần làm cho bất động sản ấm lên. Đây là tín hiệu tốt cho đồ nội thất.
Bên cạnh đó, thị trường châu Âu, cụ thể là Hà Lan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam đang có tăng trưởng ấn tượng, mở ra thêm cơ hội và thị trường xuất khẩu cho các doanh nghiệp.
Từ góc độ doanh nghiệp, theo CEO của TIDITA, với việc tận dụng tốt nguyên liệu có sẵn và thế mạnh nhân công của Việt Nam cùng cách xây dựng thương hiệu, chất lượng sản phẩm bài bản, doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với các nhà cung cấp trên thế giới. Với quan sát của mình, anh Trung Bùi cho rằng, nhiều doanh nhân Việt sở hữu tư duy linh động, biết người biết ta, luôn tìm ra được thị trường ngách.