Bà Trần Thị Phương Huyền - đại diện Dự án “Tăng cường sự sẵn sàng của khu vực tư nhân cho sự phát triển thị trường carbon tại Việt Nam” cho biết: theo quy mô phát triển của nền kinh tế, dự báo đến năm 2030 phát thải của Việt Nam tăng gấp 3 lần. Trong đó, lĩnh vực phát thải khí nhà kính chính từ nay đến năm 2030 là năng lượng (chiếm tới 60 - 70% tổng lượng phát thải khí nhà kính).
Lĩnh vực Các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm (sản xuất hoá chất, luyện kim, công nghiệp điện tử…) sẽ vươn lên đứng vị trí thứ 2 kể từ năm 2025. Cũng ở thời điểm này, sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp trở thành lĩnh vực hấp thụ ròng khí nhà kính (phát thải khí nhà kính ít hơn hấp thụ khí nhà kính).
Tại hội nghị COP26, Việt Nam đã đưa ra cam kết giảm 43,5% khí nhà kính vào năm 2030 và phát thải ròng bằng 0 bằng 2050. Bà Trần Thị Phương Huyền nhấn mạnh: Thành lập thị trường carbon bắt buộc và thúc đẩy thị trường carbon tự nguyện chính là một trong những hoạt động hiện thực hoá cam kết trên. Đến nay, bên cạnh việc ban hành hệ thống chính sách, chiến lược, chương trình quốc gia nhằm thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, Việt Nam đã và đang hoàn thiện cơ chế, khung pháp lý tạo ra thị trường kinh doanh carbon trong nước.
“Về nguyên lý, đây là thị trường thực hiện các giao dịch mua bán mà hàng hoá là giấy phép phát thải carbon, bao gồm hạn ngạch phát thải và tín chỉ carbon. Thị trường carbon bắt buộc tại Việt Nam vận hành thí điểm từ năm 2025 tập trung lĩnh vực tiềm năng có phát thải cao như năng lượng, công nghiệp, giao thông vận tải. Năm 2028, thị trường carbon bắt buộc vận hành chính thức, mở rộng sang các lĩnh vực khác và kết nối với thị trường carbon quốc tế” - bà Trần Thị Phương Huyền thông tin.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan - Giám đốc Khoa học và nghiên cứu chính sách Nuoa.io khẳng định: thị trường carbon là công cụ kinh tế giúp Nhà nước quản lý hiệu quả hơn việc giảm phát thải khí nhà kính ở cấp độ quốc gia, quốc tế. Trong những năm gần đây, cùng với những chính sách của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường này.
Nhìn vào thị trường carbon tại Việt Nam, bà Trần Thị Phương Huyền cho biết thêm: các ngành tiềm năng thực hiện dự án tín chỉ carbon chính là những ngành đang phát thải nhiều nhất và chịu áp lực lớn trong giảm phát thải.
Cụ thể, đó là các ngành năng lượng; nông nghiệp; sử dụng đất và thay đổi sử dụng đất, lâm nghiệp; các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm. Trong đó, năng lượng - ngành có phát thải lớn nhất hiện có số lượng dự án tín chỉ carbon lớn nhất và thuỷ điện là tiểu ngành đóng góp nhiều dự án tín chỉ carbon nhất. Ngoài ra, các quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm sớm trở thành ngành phát thải nhiều thứ 2 và đang chịu áp lực từ cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), nhất là với sắt thép - ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Đối với các doanh nghiệp, để dẫn bước tham gia thị trường carbon, dù là thị trường tự nguyện hay bắt buộc, thị trường trong nước hay quốc tế, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan lưu ý đến hoạt động kiểm kê khí nhà kính.
Kiểm kê khí nhà kính, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, với doanh nghiệp không chỉ là tuân thủ thực thi quy định của pháp luật mà còn là công cụ hỗ trợ quản trị rủi ro một cách hiệu quả, là điều kiện quan trọng giúp tiếp cận các cơ hội đầu tư và tài chính đến từ các nguồn vốn xanh, đầu tư xanh của nhiều tổ chức tài chính.
Theo quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các doanh nghiệp hoạt động 6 lĩnh vực là năng lượng, công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp và sử dụng đất, giao thông vận tải, chất thải sẽ phải thực hiện kiểm kê khí nhà kính. Danh mục cơ sở này cũng sẽ tăng thêm trong những năm tới và doanh nghiệp thực hiện báo cáo này 2 năm/lần.