Lấn sân lĩnh vực mới…
Duolingo là một trong những ứng dụng nổi tiếng nhất về học ngôn ngữ, được biết đến thông qua các bài học ngắn gọn, miễn phí, trực quan và thú vị. Ứng dụng ra đời tại Pittsburgh (Mỹ), đã trở thành hiện tượng toàn cầu. Cho đến nay, với quy mô rộng hơn, Duolingo đã đạt cột mốc hơn 500 triệu lượt tải xuống và tăng hơn gấp đôi số lượng người đăng ký trả phí vào năm ngoái, theo bản cập nhật hàng quý gần đây nhất. Tổng doanh thu cũng tăng gần gấp đôi lên 369,5 triệu USD vào năm 2022.
Tại Đông Nam Á, Duolingo cũng đạt được những cột mốc quan trọng, trong đó Việt Nam được coi là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất khu vực. Số lượng người dùng mỗi ngày tại Việt Nam của ứng dụng cũng đã tăng đáng kể, trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19. Số người dùng hoạt động hằng tháng cũng tăng 67% từ tháng 1/2021 – 1/2022.
Tất cả những thành công này đã khiến cho Duolingo “mạnh dạn” xâm nhập các lĩnh vực mới. Ví dụ, trong đại dịch COVID-19, Duolingo đã tung ra một ứng dụng đọc viết tiếng Anh miễn phí cho trẻ em có tên Duolingo ABC. Tháng 10 năm ngoái, ứng dụng đã ra mắt Duolingo Math, đây là bộ môn mở rộng đầu tiên ngoài việc học ngôn ngữ. Và mới đây nhất, Duolingo đã thông báo tới người dùng về việc mở rộng nền tảng học tập sang lĩnh vực học nhạc – được gọi là Duolingo Music.
Trong một đoạn video quảng cáo gần đây, Duolingo đã “khoe” những hình ảnh demo đầu tiên về giao diện học nhạc trên ứng dụng. Ứng dụng sẽ cung cấp cho người dùng một loạt các bài học lý thuyết ngắn gọn về các loại nhạc cụ khác nhau như piano hay là trống và các bài tập tương tác giúp nâng cao kỹ năng như “chơi nốt tương ứng trong bản nhạc trên phím đàn”, “điền nốt nhạc vào chỗ trống”, hay “nối các cặp từ”.
Mặc dù ứng dụng này không chia sẻ thông tin chi tiết về sản phẩm âm nhạc mới, nhưng họ xác nhận rằng sẽ có hàng trăm bài học nhạc lý và hơn 200 giai điệu vui nhộn và quen thuộc. Duolingo cũng sẽ tận dụng trải nghiệm học tập đặc trưng của mình cũng như các bài tập tương tác giống như học ngoại ngữ trong lĩnh vực âm nhạc.
Trước đó vào tháng 3, Duolingo đã đăng tuyển dụng chuyên gia nghiên cứu giảng dạy cho lĩnh vực âm nhạc, ứng viên phải là người có hiểu biết sâu về lý thuyết âm nhạc cũng như khả năng nghiên cứu để tạo ra các bài giảng mới. Ngoài ra, các vị trí liên quan tới nhà soạn nhạc cũng được “nhà cú” tìm kiếm. Đại diện của nhà sản xuất ứng dụng edtech hàng đầu thế giới cho biết thông tin chi tiết về chiến lược của thương hiệu sẽ được cập nhật tại hội nghị Duocon diễn ra vào ngày 11 tháng 10 tới.
Thách thức không nhỏ
Theo Duolingo chia sẻ, quyết định chuyển sang lĩnh vực âm nhạc của họ phần lớn đến từ nhu cầu giáo dục âm nhạc ở Mỹ với việc đất nước này có hơn 3,6 triệu sinh viên không được tiếp cận với âm nhạc và các bài học riêng đắt đỏ, có thể tốn tới 400 USD / bài học. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng việc học âm nhạc sẽ giúp ích cho các kỹ năng khác trong các lĩnh vực như đọc, nói, nghe và học toán.
Chia sẻ về dự án mới, ông Severin Hacker – đồng sáng lập Duolingo cho biết: “Giống như ngôn ngữ, toán học và âm nhạc vượt qua mọi rào cản văn hóa và kết nối mọi người. Bạn có thể sẽ sớm được trải nghiệm việc học toán và âm nhạc trong cùng một ứng dụng ngôn ngữ của Duolingo”.
Tuy nhiên, âm nhạc là môn học nằm ở trung tâm sư phạm của ngôn ngữ, đòi hỏi những sắc thái và ngữ cảnh rất khác so với các môn học khác như tiếng Anh hoặc là Toán học, ở đó người dùng đòi hỏi phải có năng khiếu cơ bản và phải tập trung cao độ để có thể nắm bắt và hoàn thiện các kỹ năng.
Không rõ ứng dụng âm nhạc của Duolingo sẽ hiện thực hóa như thế nào trong vài tháng tới, ví dụ: không biết liệu ứng dụng này có thể giúp mọi người đọc nhạc, viết nhạc, học nhạc cụ hay tất cả những điều trên hay không, hay đó chỉ là một thử nghiệm nhỏ trong một cuộc mạo hiểm bên ngoài sự yêu thích khám phá.
Theo các chuyên gia phân tích, mặc dù công nghệ có thể mang lại nhiều lợi ích cho việc học âm nhạc, nhưng nó cũng có thể đặt ra một số thách thức và hạn chế. Một số thách thức là các vấn đề kỹ thuật, chẳng hạn như khả năng kết nối, khả năng tương thích và bảo mật, bên cạnh đó là các vấn đề đạo đức, chẳng hạn như đạo văn, bản quyền và quyền riêng tư cũng như các vấn đề sư phạm, chẳng hạn như chất lượng, đánh giá và sự phản hồi. Để vượt qua những thách thức này, một ứng dụng như Duolingo cần nhận thức được những rủi ro và trách nhiệm, lựa chọn những nguồn và công cụ đáng tin cậy và uy tín, đồng thời tìm kiếm sự hướng dẫn, hỗ trợ chuyên nghiệp khi cần thiết.
Nhưng dẫu sao, với định hướng này, Duolingo đang không dấu diếm tham vọng mở rộng và trở thành một ứng dụng học trực tuyến “tất cả trong một” hàng đầu trên thế giới.