Các nhà bán lẻ Mỹ “vật vã” tìm cách ngăn trộm cắp

Nạn ăn cắp đang ngày hoành hành trong khắp các siêu thị Mỹ. H&M là nạn nhân gần đây nhất phải vật lộn với nạn trộm cắp vặt ở các cửa hàng khắp nước này.

Tổng giám đốc của H&M, ông Helena Helmersson cho biết thương hiệu thời trang nhanh này đang tăng cường các biện pháp an ninh trên khắp các cửa hàng để ngăn chặn tình trạng trộm cắp vặt – vấn đề đang ảnh hưởng lớn đến toàn bộ ngành bán lẻ hiện nay tại Mỹ.

Trước đó, trong một cuộc họp báo, Giám đốc tài chính của H&M – ông Adam Karlsson đã nhấn mạnh: “Đây là một vấn đề ngày càng gia tăng ở nhiều thị trường”.    

Tháng 9 vừa qua, Target – công ty bán lẻ đứng thứ 2 tại Mỹ chỉ sau Walmart – đã phải đóng cửa 9 cửa hàng tại các trung tâm thành phố lớn ở Mỹ. Hãng cho biết lý do là vì “điều kiện làm việc không an toàn cho nhân viên và môi trường kinh doanh không bền vững”.

Đại diện Target phát biểu: “Chúng tôi không thể tiếp tục vận hành các cửa hàng này, vì trộm cắp và tội phạm bán lẻ có tổ chức đang đe dọa sự an toàn của nhân viên và khách hàng, đồng thời góp phần dẫn đến hiệu quả kinh doanh không bền vững”.

Cuối tháng 8, theo báo cáo của PYMNTS, gần đây vấn đề trộm cắp liên tục được nêu ra trong các cuộc họp về lợi nhuận của các nhà bán lẻ như Target, Walmart và Home Depot.

Ông Brian Cornell , CEO của Target, đã trình bày cuộc đấu tranh của hãng trong việc đối mặt với “số lượng trộm cắp vặt không thể chấp nhận được” vào ngày 16 tháng 8. Ông cũng từng tuyên bố nội dung tương tự vào tháng 11 năm ngoái.

Giám đốc tài chính của Target, ông Michael Fiddelke, tuyên bố rằng việc hàng hóa bị mất trộm đã khiến lợi nhuận gộp của hãng giảm 400 triệu USD trong năm nay.

Trong cuộc họp báo cáo thu nhập Quý 2, Brian Cornell , CEO của Target, phát biểu: “Việc doanh số Quý 2 giảm đã nằm trong dự đoán, nhưng con số cụ thể cao hơn nhiều so với mức phát triển bền vững dự kiến của chúng tôi.”

John Furner , CEO của Walmart US, cũng đề cập đến việc doanh số của hãng đã giảm nhẹ trong năm nay, sau khi đã tăng ở các năm trước, ông cho biết tình hình không giống nhau ở các vùng khác nhau trên cả nước.

Home Depot – công ty bán lẻ cung cấp thiết bị gia đình của Mỹ – nhận định tỷ lệ lợi nhuận của họ bị ảnh hưởng chủ yếu do hành vi trộm cắp vặt và nhu cầu tiêu dùng giảm. Trong Quý 2, tỷ suất lợi nhuận gộp của Home Depot ở mức 33%, đánh dấu mức giảm 8 điểm cơ sở so với năm trước.

Nạn ăn cắp lại đang có chiều hướng ngày càng nghiêm trọng hơn, có tổ chức hơn. Ngày 28/9, tại Philadelphia, nhiều nhóm cá nhân đã đột nhập trái phép vào các cửa hàng bán lẻ từ sáng sớm và trộm hàng hoá, bất chấp số lượng cảnh sát đã được gia tăng.

Vụ trộm kéo dài hai đêm, chủ yếu tập trung vào một đại lý ô tô, một cửa hàng điện tử Apple, cửa hàng rượu và nhiều cơ sở bán lẻ khác. Sau vụ việc này, tất cả các cửa hàng rượu do nhà nước điều hành trong thành phố đều đóng cửa vô thời hạn.

Theo dữ liệu được thu thập vào năm 2021 từ Khảo sát an ninh bán lẻ quốc gia của Liên đoàn bán lẻ Mỹ (NRF), nạn trộm cắp đã gây thiệt hại gần 100 tỷ USD cho ngành, gấp đôi con số 45,2 tỷ USD được báo cáo vào năm 2015.

Brian Cornell , CEO của Target, cho biết: “Trong 5 tháng đầu năm nay, các cửa hàng của chúng tôi đã chứng kiến số vụ trộm cắp liên quan đến bạo lực hoặc đe dọa bạo lực tăng 120%.”

Vào cuối tháng 8, thủ phạm đã tẩu thoát thành công với  số hàng hóa trị giá khoảng 300.000 USD trong một vụ “cướp chớp nhoáng” tại một cửa hàng Nordstrom ở California.

Các nhà bán lẻ vẫn chưa tìm ra cách hữu hiệu để ngăn chặn nạn trộm cắp này. Một số hãng đang tìm đến công nghệ nhưng có vẻ vẫn chưa khả quan.

Zara cũng phải đối mặt với nạn trộm cắp vặt, hãng đã phải lắp đặt hệ thống chống trộm mới. Tuy nhiên, theo thông tin từ Bloomberg, một số nhân viên của Zara cho rằng hệ thống chống trộm này “lợi bất cập hại”, không chỉ không ngăn chặn được vấn nạn trộm cắp mà còn vô tình tạo điều kiện cho chúng hoành hành hơn.

Zara đang lên kế hoạch thay thế tấm thẻ bảo mật bằng nhựa truyền thống, bởi vì các nhân viên nhận thấy rằng loại thẻ này rất dễ tháo ra chỉ với các chip RFID nhỏ.

Có thể thấy, các nhà bán lẻ đang rất bế tắc, nếu không họ đã không phải dùng đến biện pháp cực đoan nhất, đó là đóng cửa cửa hàng.