Do nhiều yếu tố tác động khác nhau, xuất khẩu tôm giảm mạnh. Trong đó, giá trị xuất khẩu tôm đến tháng 8 chỉ đạt gần 2,2 tỷ USD, giảm 28% so cùng kỳ năm 2022. Mặc dù giá trị xuất khẩu tôm 8 tháng qua giảm như vậy nhưng đã có tín hiệu “loé sáng”.
“Kim ngạch xuất khẩu tôm từ tháng 5/2023 đến nay liên tục tăng. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tình hình lạm phát, lượng hàng tồn kho trên thế giới có xu hướng giảm, đặc biệt mùa tiêu thụ mạnh nhất trong năm đã bắt đầu, ngành tôm đang có kỳ vọng lớn để xoay chuyển tình thế”, ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam chia sẻ.
Đáng lưu ý, thị trường lớn của xuất khẩu thuỷ sản mà chủ lực là mặt hàng tôm cũng đang cho thấy những tín hiệu tích cực. Trong tháng 8 và tháng 9 Trung Quốc tăng nhập khẩu thuỷ sản Việt Nam và đều có tăng trưởng dương. Trong đó, các sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra đang trên đà phục hồi. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) từ tháng 6 đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 16% đạt 67 triệu USD.
Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), tôm chân trắng chiếm 54,9%, tôm sú chiếm 25,3%, còn lại là tôm khác. 6 tháng đầu năm nay, giá trị xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng lần lượt 1% và 30% so với cùng kỳ năm 2022. Giá trị xuất khẩu tôm chân trắng chế biến tăng mạnh nhất 66%; xuất khẩu tôm sú chế biến và tôm sú nguyên liệu đông lạnh tăng lần lượt 55% và 29%; xuất khẩu tôm khô tăng mạnh 3 con số với 583%.
Nửa đầu năm 2023, giá trung bình tôm chân trắng của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc dao động từ 4,9-7,9 USD/kg. Trong khi giá trung bình tôm sú của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này dao động từ 8,2-13,8 USD/kg.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, lượng nhập khẩu tôm nước ấm của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm nay tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái lên 502.669 tấn. Tổng giá trị nhập khẩu tăng 29% lên 2,84 tỉ USD. Điều này cho thấy nhu cầu tôm của Trung Quốc mạnh mẽ bất chấp kinh tế phục hồi chậm chạp sau dịch COVID-19.
Đáng lưu ý, trong tháng 9, xuất thủy sản sang Mỹ, Trung Quốc, EU đều hồi phục, tăng từ 4 – 17% so với cùng kỳ năm 2022.
“Hết tháng 9/2023, xuất khẩu tôm đạt 2,55 tỷ USD, vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, kết quả xuất khẩu trong những tháng gần đây có dấu hiệu hồi phục so với những tháng trước. Hai thị trường chủ lực là Mỹ và Trung Quốc bắt đầu gia tăng nhu cầu và xuất khẩu sang 2 cường quốc này đều ghi nhận tăng trưởng dương trong 2 tháng trở lại đây. Một số thị trường chính trong khối Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) như Nhật Bản, Australia, Canada cũng đang tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam”, bà Lê Hằng, Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết.
Cùng quan điểm, ông Phạm Quang Huy, Tham tán nông nghiệp Thương vụ Việt Nam tại Mỹ cũng cho biết, sức mua tôm của thị trường Mỹ đang phục hồi trở lại. Thị trường này kỳ vọng sớm khởi sắc trong năm 2024. Căn cứ để nói điều này bởi lạm phát của Mỹ dần được kiểm soát. Bên cạnh đó, thông tin thị trường và chính sách minh bạch, ổn định góp phần tạo cơ hội thuận lợi khi xuất khẩu tôm sang thị trường này.
Theo ông Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch VASEP, Chủ tịch Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, một điểm đáng chú ý là trong tháng 9 vừa qua, Việt Nam-Hoa Kỳ đã nâng cấp quan hệ song phương lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hoa Kỳ sẽ sớm xem xét quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam.
Nếu điều đó được thực hiện sớm, việc xem xét kết thúc vụ kiện chống bán phá giá tôm và cá tra sẽ có nền tảng, căn cứ vững vàng hơn. Cùng với sự chủ động của các doanh nghiệp thủy sản trong việc thích nghi với mọi hoàn cảnh, hy vọng tình hình sẽ xoay chuyển theo hướng tích cực.
Để phát triển xuất khẩu tôm vào thị trường Hoa Kỳ, ông Phạm Quang Huy đề nghị các doanh nghiệp trong nước tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu ươm giống, sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm, liên kết với các đối tác quốc tế nâng cao chất lượng tôm giống.
Các đơn vị cần tập trung phát triển các loài tôm bản địa có tính đặc trưng mà đối thủ cạnh tranh không có. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện giám sát toàn bộ chuỗi sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng cao tính minh bạch. Phát triển các mô hình nuôi tôm giúp hạ giá thành sản phẩm, tiệm cận với giá của các đối thủ cạnh tranh.
Đặc biệt, tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn thực phẩm, ghi nhãn, đăng ký các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ. Lưu giữ đầy đủ hồ sơ quá trình sản xuất, chế biến để truy xuất thông tin và phục vụ các đợt thẩm tra tại chỗ của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ.