Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Trong đó, giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ ngành nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chí về kinh tế tuần hoàn; xây dựng các mô hình kinh tế tuần hoàn thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là góp phần cụ thể hóa mục tiêu giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP ít nhất 15% vào năm 2030 so với năm 2014, hướng tới mục tiêu phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Doanh nghiệp tiên phong
Ông Khuất Quang Hưng, Giám đốc đối ngoại Công ty Nestle Việt Nam cho biết, mô hình kinh tế tuần hoàn không chỉ áp dụng trong chuỗi sản xuất mà còn được doanh nghiệp áp dụng xuyên suốt trong cả chuỗi cung ứng, từ khâu trồng trọt, sản xuất đến người tiêu dùng.
Chia sẻ về mô hình kinh tế tuần hoàn từ hạt cafe tới gạch không nung của Nestle, ông Hưng cho biết những hạt cafe thu mua của nông dân khi đến nhà máy sẽ được chế biến. Bã cafe sau chế biến được sử dụng làm viên năng lượng sinh khối, thay thế hơn 74% nguồn năng lượng cho vận hành lò hơi. Cùng với đó, cát thải tạo ra trong quá trình vận hành lo hơi được sử dụng làm viên gạch không nung; bùn thải cafe được dùng làm phân vi sinh. Gạch không nung này được sử dụng cho công trình thương mại và dân dụng.
Theo ông Hưng, mục tiêu, cam kết của Nestle trên thế giới cũng như ở Việt Nam là hướng tới nền kinh tế tái sinh, tiến từ phát triển bền vững đến phục hồi, tái sinh, tái tạo lại hệ sinh thái tự nhiên.
Hay nhà máy Heineken Việt Nam nấu bia với 100% nguồn năng lượng thân thiện với môi trường từ nguyên liệu sinh khối là phế phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, Heineken Việt Nam đã cắt giảm 60% lượng phát thải khí CO2, tạo thêm nguồn thu nhập cho nông dân địa phương từ việc thu mua nguồn phế phẩm vỏ trấu của họ để dùng làm nhiên liệu đốt, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí năng lượng trong quá trình sản xuất của nhà máy.
Mô hình sáng kiến tuần hoàn còn được ứng dụng trong nhiều doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát triển bền vững như TBC với mô hình trong tái chế bao bì nhôm hay Central Group với sáng kiến mô hình kinh tế tuần hoàn “Không rác thải tại Samui” được áp dụng thành công ở Thái Lan.
Bà Preyawat Puketkew, Giám đốc vận hành và kế hoạch Văn phòng phát triển bền vững của Tập đoàn Central cho biết mô hình “Không rác thải tại Samui” là sáng kiến phát triển bền vững nhằm giải quyết các vấn đề môi trường ở Samui dựa trên nguyên tắc kiến tạo giá trị chia sẻ.
Trọng tâm của sáng kiến là phân loại chất thải tại nguồn; qua đó tận dụng tối đa giá trị từ chất thải, bao gồm sản xuất phân bón sinh học cho các nông hộ trong cộng đồng và các sản phẩm phụ từ khí sinh học thay cho khí hóa lỏng sử dụng làm nhiên liệu đốt.
Việc các doanh nghiệp nhận thức được sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như phân phối xanh giúp các doanh nghiệp tiếp cận được với những xu thế trên thế giới và ở trong các khu vực, đặc biệt là những khu vực có những tiêu chuẩn nâng cao hơn, từ đó phục vụ cho hoạt động xuất khẩu. Do đó, nhận thức và chuyển đổi sản xuất xanh, sản xuất bền vững, phân phối xanh, phân phối bền vững là điều bắt buộc đối với các doanh nghiệp.
Từng bước thay đổi hành vi người tiêu dùng
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công Thương triển khai những hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, ông Cù Huy Quang – Phó Chánh Văn phòng Sản xuất và Tiêu dùng bền vững (Bộ Công Thương) thừa nhận, áp dụng các mô hình kinh tế tuần hoàn là một trong những xu hướng tất yếu tại Việt Nam trong thời gian tới. Khi áp dụng quy trình sản xuất xanh, sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững, các doanh nghiệp Việt Nam có những mặt tác động tích cực, song cũng như có những khó khăn.
Tích cực đó là nắm bắt được xu thế của thế giới, định vị được thương hiệu của Việt Nam, định vị thương hiệu của sản phẩm, của doanh nghiệp khi đưa ra trường thế giới… Khó khăn là doanh nghiệp phải lựa chọn được mô hình phù hợp với quy mô sản xuất của doanh nghiệp; khó khăn về vốn đầu tư bởi rất khó để tiếp cận được với nguồn vốn vay ưu đãi cũng như lãi suất thấp; cuối cùng là những chính sách của nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi sang nền sản xuất xanh còn hạn chế.
Ông Cù Huy Quang khẳng định trong thời gian tới sẽ xây dựng được những tiêu chuẩn về những mô hình kinh tế tuần hoàn, về những định mức tiêu hao nguyên vật liệu trong các ngành công nghiệp. “Chúng tôi sẽ cố gắng áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn vào những khu công nghiệp, khu chế xuất. Chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh áp dụng những mô hình về tái chế, tái thu hồi, tái sử dụng trong các ngành công nghiệp, đặc biệt là trong các ngành có rất nhiều tiềm năng về tái chế như hiện nay. Bên cạnh đó cũng nâng cao năng lực quản lý cho các địa phương trong thời gian tới nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi sản xuất bền vững, tiêu dùng bền vững tại các địa phương”.
Ông Quang cũng nhấn mạnh, sẽ quan tâm chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông để nâng cao được tư duy, ý thức của cộng đồng doanh nghiệp cũng như thay đổi hành vi tiêu dùng của người tiêu dùng trong việc lựa chọn những sản phẩm xanh, sạch và sản phẩm thân thiện với môi trường. “Đây là những xu hướng sắp tới chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong quá trình thực hiện Chương trình hành động quốc gia về sản xuất, tiêu dùng bền vững của Bộ Công Thương” – ông Quang khẳng định.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia
Để hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững, từ thực tế trên đề xuất Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật ban hành các quy định, tiêu chuẩn phát triển kinh tế tuần hoàn phù hợp với xu thế mới trong khu vực và trên thế giới. Sử dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, môi trường, công cụ thuế… nhằm hạn chế việc sử dụng quá mức tài nguyên, hạn chế rác thải trong quá trình sản xuất.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kinh tế tuần hoàn bởi đây là cơ sở dữ liệu quan trọng để phục vụ cho việc quản lý và điều chỉnh việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Đặc biệt, chuyển đổi sang mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đòi hỏi có sự thay đổi trong nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này đòi hỏi phải bổ sung kiến thức, kỹ năng cho người lao động; đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực đủ khả năng vận hành mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn gắn với đổi mới sáng tạo và sử dụng công nghệ cao.