Theo đó, Công ty Pegavision Coporation xây dựng nhà máy nghiên cứu, phát triển, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm quang học và thiết bị y tế, trị giá 200 triệu USD trên diện tích 10ha tại KCN Liên Hà Thái, tỉnh Thái Bình.
Nhà máy Pegavision Việt Nam là dự án chuyên sản xuất kính áp tròng, thiết bị y tế với công suất thiết kế 600 triệu sản phẩm/năm, tổng vốn đầu tư 200 triệu USD. Dự kiến khi đi vào hoạt động trong năm 2028, nhà máy sẽ sử dụng khoảng 1.140 lao động, doanh thu dự kiến 2.808 tỷ đồng/năm, đóng góp cho ngân sách nhà nước khoảng 82 tỷ đồng/năm.
Theo tìm hiểu của Diễn đàn Doanh nghiệp, Pegavision Coporation thành lập năm 2009 có trụ sở chính tại Đài Loan, chuyên nghiên cứu, phát triển và sản xuất kính áp tròng mềm và các thiết bị quang học y tế. Đây là ngành nghề sử dụng máy móc công nghệ cao và hiện đại, thân thiện với môi trường. Pegavision Coporation được chứng nhận chất lượng bởi ISO13485, GMP, Japan FMA, Europe CE, Taiwan TFDA, China NMPA, US FDA,… Sản phẩm của công ty được cung cấp cho các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Châu Âu.
Hiện nhà đầu tư, tổng thầu thi công phấn đấu hoàn thành xây dựng, lắp đặt máy móc phục vụ sản xuất giai đoạn I của dự án trong quý IV/2024 và sẽ khởi công xây dựng dự án giai đoạn II vào quý IV/2027.
Theo ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình, đây là dự án có quy mô lớn, công nghệ hiện đại, phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Thái Bình. Việc Công ty Pegavision Coporation khởi công xây dựng nhà máy tại KCN Liên Hà Thái là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, được tỉnh Thái Bình lựa chọn tổ chức trong chuỗi chương trình Công bố Quy hoạch tỉnh Thái Bình. Điều đó tiếp tục khẳng định và minh chứng rõ nét cho kết quả và sự nỗ lực của tỉnh Thái Bình trong thời gian qua, đặc biệt là tạo sức lan tỏa trong thu hút đầu tư, tạo khí thế và động lực mới cho sự phát triển của tỉnh ngay từ những ngày đầu xuân mới.
Cũng theo ông Hưng, để dự án nhà máy Pegavision Việt Nam sớm hoàn thành và đi vào hoạt động, tỉnh Thái Bình đề nghị nhà đầu tư tập trung nguồn lực để triển khai xây lắp nhà máy bảo đảm chất lượng, tiến độ như đã cam kết; chấp hành đúng quy định của pháp luật Việt Nam, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng; bảo đảm chất lượng, an toàn công trình, an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Về phía BQL KKT và các KCN tỉnh cùng các sở, ngành, UBND huyện Thái Thụy cần tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai dự án giúp đẩy nhanh tiến độ đầu tư.
Theo ông Bùi Thế Long - Tổng giám đốc Green i – Park, dự án đầu tư của Pegavision Coporation vào KCN Liên Hà Thái chính là công trình chào mừng Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Thái Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050, một sự kiện mở đường cho cả một thời kỳ mới của tỉnh Thái Bình và cũng là của các nhà đầu tư.
Được biết, KCN Liên Hà Thái, tỉnh Thái Bình được lựa chọn là KCN tiên phong, trọng điểm trong KKT Thái Bình. Sau hơn 2 năm vận hành, KCN này đã thành công thu hút 16 dự án trong lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, suất đầu tư lớn. Trong đó, Pegavision Coporation là nhà đầu tư thứ 11 tại KCN Liên Hà Thái khởi công xây dựng nhà máy, 5 dự án khác đang tích cực hoàn thiện các thủ tục thành lập pháp nhân, xin cấp giấy phép xây dựng để trong năm 2024 sẽ khởi công xây dựng.
Dự kiến cuối năm nay, khi cả 16 dự án đi vào hoạt động và khi hoạt động 100% công suất sẽ có nhu cầu cần 39.600 người lao động, đây là con số lớn vừa tạo công ăn việc làm, vừa góp phần chuyển dịch lực lượng lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Theo đại diện Công ty Pegavision Corporation, phía doanh nghiệp quyết định đặt nhà máy tại Thái Bình bởi nhiều yếu tố. Trong đó chủ yếu là nhận thấy những lợi thế về mặt bằng sạch sẵn có, nguồn nhân lực dồi dào và có chất lượng tốt, hệ thống giao thông kết nối, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích nhà đầu tư hấp dẫn và thủ tục đầu tư thông thoáng.
Được biết, để tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào KCN Liên Hà Thái nói riêng và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn nói chung, tỉnh Thái Bình đã và đang tập trung thực hiện các chính sách ưu đãi, cởi mở, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, chuyển đổi số; thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, đồng thời chủ động nắm bắt, giải quyết những khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư. Địa phương này cũng tăng cường chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt và khó khăn, vướng mắc trong thu hút đầu tư để giải phóng, khơi thông các nguồn lực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…