Theo ông Bruno Jaspaert, CEO Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C – hệ thống khu công nghiệp và cảng biển của Bỉ tại thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, cho biết quá trình chuyển đổi xanh và bền vững tại Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm từ các nhà đầu tư, hoàn toàn khác so với cách đây 5 năm.

Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ chuyển đổi xanh

Khu công nghiệp sinh thái đang mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp như Deep C.

Cơ hội mở ra cánh cửa mới

“Cách đây 5 năm, bất kỳ nhà đầu tư nào muốn vào khu công nghiệp của chúng tôi đều hỏi tôi rằng vì sao nên đến Việt Nam đầu tư. Bây giờ Deep C không cần trả lời câu hỏi đó nữa. Giờ đây, các nhà đầu tư hỏi rằng chúng tôi đã và đang làm gì để phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. Trên thực tế, đây là điều mà chúng tôi đã quan tâm cách đây 5 năm rồi, khi mà chưa ai đòi hỏi chúng tôi phải làm điều đó. 5 năm qua, thế giới đã thay đổi, luật pháp trên khắp thế giới cũng đã thay đổi”, ông Jaspaert cho biết.

Trên thực tế, thời gian qua nhiều quốc gia đã xây dựng các quy phạm pháp luật mới về phát triển bền vững. Đơn cử, Liên minh châu Âu (EU) ngày 1/1/2024 công bố bộ tiêu chuẩn mới về phát triển bền vững. Theo đó, bên cạnh các chuẩn mực về kế toán, EU cũng yêu cầu doanh nghiệp phải tuân thủ các vấn đề liên quan tới phát triển bền vững.

CEO của DEEP C chỉ ra: “Các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu hàng hóa vào EU cũng phải có các bản báo cáo về tính bền vững trong hoạt động của mình. Các nhà thầu phụ của họ cũng vậy”.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cũng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực để vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo thực hiện các cam kết đóng góp có trách nhiệm về biến đổi khí hậu cùng cộng đồng quốc tế. Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 của Việt Nam đã xác định các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ với mục tiêu và lộ trình cụ thể để đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã cập nhật đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2022 với mục tiêu giảm phát thải do quốc gia tự thực hiện đến năm 2030 lên đến 15,8% và mục tiêu có điều kiện lên đến 43,5% so với kịch bản phát triển thông thường.

“Đây là những mục tiêu đầy tham vọng, đầy thách thức đòi hỏi nguồn lực lớn về tài chính và công nghệ”, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nói.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, để thực hiện hiệu quả đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 đỏi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và đặc biệt là sự tham gia có trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

“Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội giúp các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi xanh, phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư cho phát triển, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đang hướng tới thiết lập áp dụng các hàng rào carbon đối với các sản phẩm nhập khẩu từ Việt Nam”, ông Thành nhấn mạnh.

Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đánh giá cao các doanh nghiệp đã chủ động công bố và cam kết thực hiện lộ trình hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 với các kế hoạch cụ thể về chuyển đổi tuần hoàn, chuyển đổi công nghệ, chuyển đổi xanh trong quy trình sản xuất thương mại nhằm giảm phát thải khí carbon, rác thải nhựa.

Chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội mở ra cánh cửa cho sự đổi mới, tạo ra các nguồn lực mới, mở ra thị trường mới.

Nỗ lực chung

“Bằng cách hướng tới một nền kinh tế xanh, chúng ta không chỉ đảm bảo sự bền vững của môi trường mà còn tạo ra cơ hội cho sự phát triển kinh tế xã hội trong tương lai. Chỉ thông qua sự hợp tác, nỗ lực chung của các bên, chúng ta mới có thể tạo ra một tương lai xanh và bền vững cho các thế hệ mai sau”, ông Thành nói.

Doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ chuyển đổi xanh

Chuyển đổi xanh không chỉ là trách nhiệm mà còn là cơ hội mở ra cánh cửa cho sự đổi mới, tạo ra các nguồn lực mới, mở ra thị trường mới.

Chia sẻ từ chính kinh nghiệm thực tế của DEEP C, ông Jaspaert cho rằng đầu tư cho phát triển xanh và bền vững tốn kém và cần nhiều nghị lực, nhưng thành quả mang lại xứng đáng để đầu tư.

“Chúng ta phải có tầm nhìn xa hơn. Tiền kiếm được trong tương lai dài hạn và tương lai bền vững có giá trị hơn nhiều so với đồng tiền chỉ có được trong ngắn hạn. Với mục tiêu như vậy, chúng tôi làm cho nguồn nước của mình thật sạch, làm cho khu công nghiệp của chúng tôi thật sinh thái”, ông chia sẻ.

 Ông Jaspaert cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần kết nối tất cả các bên, từ người dân, doanh nghiệp, cho tới các quan chức, nhà hoạch định chính sách, để cùng chung tay hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần phải tính toán và đo lường kỹ lưỡng hiệu quả đầu tư của các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), gắn liền với mục tiêu phát triển bền vững.

“Các bạn không chỉ được quan tâm rằng FDI tạo ra bao nhiêu việc làm, mang về nguồn thu ra sao, mà phải quan tâm tới các yếu tố hàm chứa trong dòng vốn đó, như tỷ lệ nội địa hóa của địa phương là bao nhiêu, cùng với đó là sự đóng góp của doanh nghiệp FDI vào sự phát triển bền vững của địa phương. Nếu giải quyết được các vấn đề này, chắc chắn môi trường đầu tư của Việt Nam sẽ rất tốt đẹp và hấp dẫn, thu hút được các doanh nghiệp tốt cho tương lai”, ông Jaspaert kiến nghị.