Điểm đến của Cook lần này là thủ đô Hà Nội. Các tin tức cho thấy ông đã gặp gỡ người dùng địa phương, các lập trình viên và những người sáng tạo nội dung về Apple trong chuyến đi kéo dài 2 ngày này. Trong một bức hình Cook đăng trên X ngày 15/4, ông đang uống cà phê trứng cùng với các ca nhạc sĩ.
Chuyến đi của ông diễn ra trong bối cảnh Apple đang đối mặt với nhiều thách thức. Dữ liệu từ Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế (IDC) công bố ngày 15/4 cho thấy số lượng hàng iPhone toàn cầu giảm 10% trong quý đầu tiên của năm 2024 so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này có thể đến từ việc hiện nay Apple đang có rất nhiều đối thủ cạnh tranh, đặc biệt tại những thị trường trọng điểm như Trung Quốc.
Theo IDC, Apple là hãng điện thoại thông minh lớn thứ ba Việt Nam về số lượng xuất xưởng, chỉ đứng sau Oppo (Trung Quốc) và Samsung (Hàn Quốc). Không chỉ vậy, Việt Nam còn trở thành nơi gia công cực kỳ quan trọng, khi gã khổng lồ ngành công nghệ này đang tìm cách mở rộng các dây chuyền lắp ráp, không bị bó buộc tại Trung Quốc.
Hồi tháng 12, tờ Nikkei đưa tin Apple đang chuyển một số nguồn lực kỹ thuật quan trọng của iPad về Việt Nam, nơi cũng đang sản xuất các sản phẩm khác như MacBook hoặc Apple Watch.
Trong đại dịch COVID-19, chính vì phụ thuộc vào dây chuyền ở Trung Quốc nên Apple đã phải chịu gián đoạn hàng hóa rất lâu. Do đó không có gì lạ khi họ rút ra bài học trong quá khứ và hướng đến việc đa dạng hóa địa điểm đặt dây chuyền sản xuất.
Hiện nay, hai ứng cử viên sáng giá nhất cho cuộc đua gia công sản phẩm Apple và Việt Nam và Ấn Độ, những nơi có nhân công giá rẻ.
Nếu xét theo tình hình thực tế, Việt Nam đang được truyền thông Mỹ đánh giá là có lợi thế hơn. Tổng sản lượng xuất khẩu năm 2023 của Việt Nam là 96,99 tỷ USD, cao hơn so với 75,65 tỷ USD của Ấn Độ.
Theo tờ CNBC, xét về năng lực và bối cảnh của hai quốc gia, Việt Nam cũng đang có nhiều ưu thế hơn.
Thứ nhất, Việt Nam khá có tiếng về khả năng lắp ráp hàng điện tử, còn Ấn Độ chỉ mới gia nhập mảng này.
Thứ hai, Việt Nam đã có quan hệ giao thương và đầu tư với Mỹ từ năm 2007, còn quan hệ song phương Mỹ - Ấn chỉ mới ấm lại trong thời gian gần đây.
Thứ ba, Việt Nam có thể chế chính trị đơn giản hơn Ấn Độ, với một hệ thống pháp lý nhất quán trong cả nước. Trong khi đó, Ấn Độ có 29 tiểu bang và mỗi tiểu bang có thể có quy định khác nhau.
Thứ tư, thuế nhập khẩu của Việt Nam thấp hơn Ấn Độ. Hiện tại Ấn Độ đang áp thuế nhập khẩu 10% cho các mặt hàng công nghệ thông tin và truyền thông. Trong khi đó trung bình thuế này ở Việt Nam là 5%. Tuy nhiên Ấn Độ cũng đang có những biện pháp giảm thuế nhằm thu hút các công ty nước ngoài.
Những điều này, cộng với việc cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ vẫn còn chưa hiệu quả, khiến Ấn Độ vẫn còn khá nhiều điều phải làm trong cuộc đua với Việt Nam.
Tuy nhiên, một số bên dự đoán cuộc chiến rất có thể đổi chiều, không chỉ vì chính quyền Ấn Độ đang làm mọi cách để tăng tính cạnh tranh như giảm thuế hoặc tối ưu cơ sở hạ tầng, mà còn vì chính sách ngoại giao với mọi nước của Việt Nam, trong đó có Trung Quốc, nơi mà các doanh nghiệp Mỹ đang khá e dè.
Thế nhưng chuyến thăm Việt Nam của Tim Cook, CEO Apple, một trong những công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ lẫn toàn cầu, là một tín hiệu lạc quan với Việt Nam.
Năm 2016, Tim Cook cũng có một chuyến thăm Ấn Độ. Sau đó Apple đã có nhiều động thái mở rộng hoạt động tại nước này. Tháng 12 năm ngoái, Apple được cho là đã quyết định tăng cường mua pin cho các thiết bị di động của mình từ các nhà sản xuất Ấn Độ.
Lần này tình hình có vẻ cũng tương tự, Apple đã công bố khoản đầu tư lớn vào Việt Nam. Đồng thời, họ cũng như tuyên bố sẽ tăng cường ngân sách cho những nhà cung cấp địa phương.
Kể từ năm 2019, Apple đã đầu tư 400 nghìn tỷ đồng vào chuỗi cung ứng địa phương. Theo thông tin chính thức từ Apple, họ đã tạo ra hơn 200.000 việc làm tại Việt Nam, bao gồm trực tiếp lẫn gián tiếp qua chuỗi cung ứng và nền kinh tế ứng dụng iOS. Năm 2023, họ mở Apple Store trực tuyến tại thị trường Việt Nam.