Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết giảm thuế giá trị gia tăng (thuế VAT) thuế suất 10% về còn 8% kéo dài tới hết năm nay và áp dụng một số nhóm hàng hóa, dịch vụ. Theo tính toán, việc giảm thuế VAT dự kiến làm giảm thu ngân sách nửa cuối năm nay khoảng 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng một tháng). Tuy nhiên, việc giảm thuế có thể giúp hạ chi phí sản xuất, giá bán, qua đó kích thích kinh doanh và tạo nguồn thu ngân sách.
Trao đổi về chủ trương này, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhấn mạnh, đây là đề xuất rất cần thiết và phù hợp, nhất là trong thời điểm cộng đồng doanh nghiệp vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, thực hiện giảm thuế VAT còn 8% trong 3 lần liên tiếp vào các năm 2022 - 2023 phù hợp với thông lệ trên thế giới. Để hỗ trợ doanh nghiệp, nhiều quốc gia đều thực hiện việc miễn, giảm thuế VAT và gia hạn các lần miễn giảm thuế VAT với khu vực doanh nghiệp và với mức miễn, giảm thuế khá lớn.
Bên cạnh đó, đây là chính sách tác động đa mục tiêu, vừa hỗ trợ thúc đẩy cầu tiêu dùng hàng hoá và dịch vụ trong nước vừa giúp ổn định kinh tế vĩ mô thông qua giảm áp lực lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực bên cạnh các chính sách miễn, giãn, hoãn các khoản phí, thuế cho doanh nghiệp và trong điều kiện doanh nghiệp tiếp cận tín dụng rất khó khăn.
Ngoài ra, từ góc độ an sinh xã hội, giảm thuế VAT hỗ trợ người lao động thu nhập thấp, người nghèo giảm áp lực tăng giá các loại hàng hoá, dịch vụ cơ bản.
Đồng tình với đề xuất của VCCI về việc giảm thuế VAT còn 8% và áp dụng với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ, TS. Nguyễn Quốc Việt cho rằng, việc giảm thuế áp dụng cho các loại hàng hoá sẽ làm đơn giản hoá việc xác định hàng hoá, dịch vụ với một số doanh nghiệp kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau. Trong khi đó, người dân được hưởng lợi, tạo tâm lý tích cực về sự thấu hiểu, đồng hành của nhà nước với người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc giảm thuế VAT còn 8% đối với tất cả các hàng hoá, dịch vụ trong thời điểm hiện nay sẽ tác động đến thu ngân sách nhà nước và áp lực hoàn thành chỉ tiêu về thu ngân sách của năm 2024. Việc mở rộng đối tượng hàng hoá, dịch vụ được giảm thuế VAT cần xem xét kỹ, nhất là với những mặt hàng có tính chất đặc thù.
Thẩm tra về nội dung này, Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, cần làm rõ giải pháp xử lý vướng mắc cho doanh nghiệp trong việc áp dụng chính sách giảm thuế VAT khi Quốc hội cho phép tiếp tục giảm thuế trong 6 tháng cuối năm nay nhằm đảm bảo dễ thực hiện, thuận lợi cho người nộp thuế.