Bộ GTVT vừa có công văn gửi UBND các tỉnh: Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Lâm Đồng để định hướng hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác các cảng hàng không tại địa phương.
Theo Bộ GTVT, trên cơ sở tiếp thu ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ, kết quả làm việc với các Bộ, ngành liên quan, Bộ GTVT đã báo cáo Thường trực Chính phủ Đề án định hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không để xem xét, cho ý kiến làm cơ sở hoàn thiện, báo cáo Bộ Chính trị trong thời gian tới. Trong đó, các nội dung vướng mắc cần tháo gỡ về cơ sở pháp lý khi huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác cảng hàng không đã được tổng hợp và đề xuất giải pháp chung tại Đề án làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện.
Bộ GTVT cho biết là trong quá trình cấp có thẩm quyền xem xét Đề án định hướng chung, UBND các tỉnh có thể chủ động tiếp tục hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không tại địa phương trong đó tập trung nghiên cứu phương án, quy mô đầu tư theo tính chất, điều kiện phát triển và quy hoạch của từng cảng hàng không.
Cụ thể, đối với Cảng hàng không Thọ Xuân, Chu Lai, theo Bộ GTVT, Quy hoạch các cảng hàng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt đã bố trí thêm đường cất hạ cánh thứ hai bên cạnh đường cất hạ cánh hiện hữu do Bộ Quốc phòng quản lý để bảo đảm hạn chế ảnh hưởng tới hoạt động bay của quân sự. Như vậy quy hoạch khu hàng không dân dụng và đường cất hạ cánh, đường lăn mới cơ bản tách biệt về đất đai và hoạt động với các công trình do Bộ Quốc phòng quản lý.
“Vì vậy các địa phương có thể tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án theo hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư theo phương thức PPP hoặc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – ACV (Nhà khai thác cảng hàng không hiện hữu) thành lập doanh nghiệp cổ phần cảng hàng không mới đóng vai trò là nhà khai thác cảng hàng không, trong đó ACV nắm cổ phần chi phối”, công văn của Bộ GTVT nêu rõ.
Đối với các công trình đường cất hạ cánh, đường lăn hiện hữu do Bộ Quốc phòng quản lý, nếu cần nâng cấp, cải tạo để bảo đảm hoạt động khai thác thì ưu tiên sử dụng nguồn vốn nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp. Trường hợp nguồn vốn nhà nước không bảo đảm thì nghiên cứu, đầu tư kết hợp với khu hàng không dân dụng theo phương thức PPP, trong đó đầu tư đường cất hạ cánh, đường lăn theo loại hợp đồng BTO.
Đối với Cảng hàng không Nà Sản, Vinh, Liên Khương, Bộ GTVT đề nghị các địa phương nghiên cứu hoàn thiện Đề án theo hướng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư, khai thác toàn bộ các công trình của cảng hàng không theo phương thức PPP hoặc ACV thành lập doanh nghiệp cổ phần cảng hàng không mới đóng vai trò là nhà khai thác cảng hàng không, trong đó ACV nắm cổ phần chi phối.
Bộ GTVT nhấn mạnh, hiện Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Bộ GTVT đang tổ chức lập quy hoạch các cảng hàng không thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để bảo đảm phù hợp với Quy hoạch tổng thể và làm cơ sở nghiên cứu, thực hiện đầu tư phát triển các cảng hàng không.
“Trong thời gian tới, đề nghị UBND các tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT trong công tác lập, phê duyệt quy hoạch cảng hàng không tại địa phương cũng như hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác cảng hàng không để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”, Bộ GTVT đề xuất.
Trước đó, Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 6/2023 được đánh giá có tính mở cao.
Đặc biệt, quy hoạch lần này cho phép phát triển sân bay chuyên dùng theo hướng các địa phương chủ động xác định trong quy hoạch tỉnh và huy động nguồn lực để đầu tư. Cục trưởng Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng khẳng định, mong muốn của các địa phương có sân bay là chính đáng vì các cảng hàng không, sân bay có vai trò hết sức quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội.
“Tuy nhiên, tôi phải khẳng định rằng, cảng hàng không chỉ là “điều kiện cần”, chứ không phải “điều kiện đủ” để giúp các địa phương đương nhiên phát triển kinh tế-xã hội vì còn nhiều yếu tố khác”, Cục trưởng nhấn mạnh.
Đồng thời chia sẻ, cơ cấu các cảng hàng không còn phụ thuộc các yếu tố gồm nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội theo vùng miền trong cả nước. Thêm nữa là quan hệ giữa phương tiện hàng không với các loại hình giao thông khác, trên nguyên tắc phát triển hài hòa và có sự phân bổ hợp lý để phát triển đồng bộ, làm sao các phương thức tác động tương hỗ, phát triển cùng nhau.
“Vấn đề hiệu quả là yếu tố quan trọng hàng đầu khi đặt vấn đề các địa phương có nên đầu tư sân bay không và nên làm vào thời gian nào, bởi sân bay cần nguồn lực đầu tư cao và chi phí duy trì phát triển rất lớn, phải bảo đảm hiệu quả kinh tế để duy trì và phát triển, không thể để tình trạng nghiên cứu đầu tư sân bay rồi dừng khai thác”, ông Đinh Việt Thắng nhấn mạnh.
Đáng lưu ý, theo quy hoạch, tổng nguồn vốn dự kiến cần để đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay đến năm 2030 lên tới 420.000 tỷ đồng được đánh giá là rất lớn, Cục trưởng Đinh Việt Thắng cho biết các cơ quan quản lý Nhà nước đã nhận diện được khó khăn, vướng mắc, những vấn đề chưa làm được trước đây, đặc biệt là huy động nguồn lực xã hội và tháo gỡ vướng mắc cơ chế, chính sách.
Vì vậy, trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đã có định hướng quan trọng để các bộ, ngành đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng, Quốc hội ban hành quy định, hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, tạo điều kiện phát triển hệ thống cảng hàng không, giữa hàng không và quốc phòng khi dùng chung cả tài sản, đất đai,…