Giao mùa (đặc trưng bởi sự thay đổi nhiệt độ, độ ẩm đột ngột) là điều kiện lý tưởng để virus, vi khuẩn, nấm… sinh sôi và gây ra các bệnh lý đường hô hấp.
Tỷ lệ mắc bệnh được ghi nhận luôn có sự tăng theo chu kỳ vào những tháng cuối năm. Bệnh thường gặp nhất ở người già hay người có nhiều bệnh nền, giảm sức đề kháng, trẻ em đề kháng yếu và phụ nữ mang thai.
Trẻ nhỏ: Đối với trẻ nhỏ đa số hệ miễn dịch chưa hoàn thiện sức đề kháng yếu, rất dễ bị nhiễm bệnh trong thời điểm giao mùa. Trẻ khi mắc bệnh dễ diễn biến nặng hơn người lớn.
Người cao tuổi: Người cao tuổi thường có sẵn các bệnh lý mạn tính như bệnh lý hô hấp, đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, suy gan, suy thận, làm hệ miễn dịch suy yếu. Do đó, bệnh gặp ở người cao tuổi thường nặng hơn người trẻ rất nhiều. Thay đổi thời tiết dễ làm khởi phát bệnh lý có sẵn ở người cao tuổi.
Phụ nữ mang thai: Khi mắc bệnh trong 3 tháng đầu của thai nghén rất dễ bị dị tật thai nhi. Ngay cả khi mắc bệnh, thai phụ cũng thường ngại dùng thuốc vì sợ ảnh hưởng đến thai nhi, khiến bệnh kéo dài và cơ thể mệt mỏi. Vì vậy, việc phòng bệnh là ưu tiên với thai phụ.
Với nhiều yếu tố gây nên bệnh đường hô hấp, đặc biệt là sự kết hợp giữa yếu tố cơ địa và yếu tố môi trường. Bệnh thường xuất hiện sau một đợt nhiễm trùng đường hô hấp do virus hoặc vi khuẩn, khi thời tiết thay đổi đột ngột, những đợt chuyển mùa hay do hít phải bụi, hơi khói của bếp than, khói thuốc lá, lông súc vật, phấn hoa…
Những bệnh hô hấp thường gặp lúc giao mùa như: cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi và những bệnh mạn tính dễ tái phát như: hen phế quản, giãn phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính… sẽ có những đợt cấp.
Nếu không được phát hiện kịp thời, bệnh đường hô hấp dễ tiến triển thành một số biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe như suy hô hấp cấp, viêm tai, viêm màng não, áp xe phổi, tràn khí màng phổi.
Nhiễm trùng đường hô hấp
Nhiễm trùng hô hấp là nhiễm trùng xảy ra ở phế quản phổi, xoang, mũi, họng. Nhiễm trùng mạn tính là những bệnh xảy ra lặp đi lặp lại theo thời gian, đặc biệt khi chuyển mùa từ mùa Thu sang mùa Đông khi mọi người dành nhiều thời gian hơn trong nhà và tạo thành nhóm người. Do số lượng vi trùng gia tăng và nhiều người tiếp xúc gần với nhau khiến những vi trùng dễ lây lan hơn.
Hiện nay có rất nhiều vi trùng gây bệnh đường hô hấp có thể truyền từ người này sang người khác bằng cách hít vào những giọt nước bọt từ người bệnh lúc họ ho hoặc hắt hơi hay chạm vào mũi, miệng hoặc mắt sau khi tiếp xúc với người bị nhiễm trùng đường hô hấp hoặc sờ chạm vào bề mặt có virus gây bệnh.
Nguyên nhân dẫn đến nhiễm trùng hô hấp thường do vi khuẩn hoặc virus. Nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn có thể được điều trị bằng kháng sinh nhưng virus thì không thể điều trị bằng kháng sinh, thuốc kháng virus có thể được sử dụng trong một số trường hợp, đồng thời nâng cao thể trạng, tăng sức đề kháng của cơ thể. Đối với người bệnh mắc bệnh nhiễm trùng đường hô hấp mạn tính thì bác sĩ dựa trên các triệu chứng mà người bệnh đang mắc phải để chẩn đoán và điều trị.
Các bệnh điển hình trong nhóm bệnh nhiễm trùng đường hô hấp như: cảm lạnh thông thường, viêm phổi, viêm xoang mãn tính, viêm phế quản mãn tính, viêm mũi, viêm họng liên cầu khuẩn và cúm.
Bệnh hen suyễn
Thời điểm trẻ em quay trở lại trường học cũng là thời điểm mùa virus vào cao điểm, điều này đặc biệt nếu trẻ hen suyễn, thì bệnh có thể càng trầm trọng khi gặp thời điểm chuyển mùa. Theo các chuyên gia, thời điểm chuyển mùa từ mùa Thu sang mùa Đông là thời điểm tồi tệ nhất đối với trẻ em mắc bệnh hen suyễn do trẻ phải tiếp xúc với nhiều loại virus bệnh đường hô hấp. Bệnh hen suyễn thường bùng phát vào cuối tháng 8 và tháng 9 vì hai nguyên nhân chính:
Nhiễm virus có tỷ lệ cao trong cộng đồng, đặc biệt trong vào mùa Thu và mùa Đông.
Trẻ em trở lại trường học và ở trong khu vực gần với các học sinh khác bị nhiễm virus.
Trong suốt sự thay đổi của các mùa, trẻ hen suyễn có thể bị các dị ứng khác nhau, tùy thuộc vào thụ phấn và nở hoa của các loại hoa và cỏ khác nhau. Phản ứng dị ứng hoặc kết hợp với các yếu tố môi trường khác như virus, ô nhiễm trong nhà và ngoài trời… đều có thể khởi phát cơn hen suyễn.
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) một tình trạng bệnh lý ở phổi, với sự giới hạn thông khí không thể hồi phục hoàn toàn, gây nên tình trạng tắc nghẽn lưu thông khí, gia tăng lượng khí cặn trong phổi làm bệnh nhân khó thở. Thời tiết lạnh là một trong các nguyên nhân gây ra các cơn khó thở cấp của bệnh.
Để hạn chế các bệnh hô hấp khi thời tiết giao mùa, một số biện pháp nhằm giảm thiểu nguy cơ phát bệnh có thể áp dụng sau đây:
– Khi đi ngoài trời cần đeo khẩu trang để tránh các tác nhân gây bệnh.
– Giữ môi trường không khí trong nhà và nơi làm việc sạch sẽ, thoáng mát nhằm khử sạch vi khuẩn, virus là mầm mống gây nên bệnh lý hô hấp nhiễm khuẩn, tránh tiếp xúc với môi trường nhiều khói bụi, độc hại.
– Nên giữ gìn cơ thể đủ ấm theo tiêu chí ấm về mùa Đông, thoáng mát về mùa Hè, giữ ấm cổ, ngực, bàn chân, bàn tay.
– Không hút thuốc lá, thuốc lào, xì gà.
– Tập thể dục đều đặn, phù hợp sức khỏe.
– Đảm bảo chế độ dinh dưỡng đủ năng lượng, cân đối bằng cách sử dụng các loại rau xanh, trái cây tươi đảm bảo đầy đủ vitamin A, C, E, canxi, khoáng chất, chất xơ có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch, uống nhiều nước.
– Thường xuyên vệ sinh răng miệng, súc miệng bằng nước muối sinh lý để tránh nhiễm khuẩn răng miệng, vi khuẩn đi xuống cơ quan hô hấp và gây bệnh.
– Tránh các thức ăn đã từng gây dị ứng, hoặc có thành phần sulfite thường thấy trong các chất bảo quản thực phẩm như khoai tây, tôm, hoa quả khô, bia, rượu đã qua chế biến vì thường gây các cơn hen.
– Tiêm vaccine phòng các bệnh đường hô hấp (vaccine cúm hoặc phế cầu, bạch hầu, ho gà…).
– Cần kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy tim, đái tháo đường để tránh bệnh tái phát khi thời tiết thay đổi.
– Khi có dấu hiệu mắc bệnh hô hấp, người bệnh cần đi khám chuyên khoa hô hấp để có chỉ định điều trị cụ thể.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...