Y như một chiếc đồng hồ vậy. Đúng 6 giờ 30 tiếng rao canh bún của dì Hai cất lên trong xóm lao động nghèo, để ăn xong họ lại lao vào một ngày mưu sinh mới.
Dì Hai chưa kịp đặt quang gánh xuống, nồi canh bún đã có đầy đủ mặt “bá quan văn võ” bao quanh. Canh bún của dì Hai là loại canh bún đỏ, với tôm khô dùng để nấu canh, da heo, đậu hủ chiên và huyết, kèm thau rau muống luộc, mắm tôm, chanh, hành, ớt…
Nghe kể lại rằng: Mẹ của dì Hai từng là cư dân xóm này, bán canh bún có tiếng ngoài đường lớn trước 1975, rồi truyền nghề lại cho dì Hai. Tuy nhiên với nhiêu đó nguyên liệu, dì Hai biến tấu nó thành “đặc sản” nhờ công thức nấu “bí truyền” của mình.
Không biết dì Hai nấu kiểu gì mà cọng bún, loại bún mà người ta hay dùng để nấu bún bò, đạt độ dai mềm có màu đỏ hạt điều đẹp mắt nhưng không bị gãy rời ra khi gắp. Mùi tôm khô quyện lên thơm phức mỗi khi dì múc nước lèo ra cho khách và da heo với huyết không hề có mùi hôi.
Nồi canh bún như một bản hòa tấu với nước lèo ngào ngạt mùi thơm, miếng đậu hũ chiên vàng béo ngậy nổi lên cùng những cọng hành phi. Múc ra tô, nó là một bảng màu bắt mắt: màu đỏ hạt điều của bún và nước lèo xen lẫn màu huyết, màu trăng trắng của da heo, màu xanh của hành ngò, màu vàng của đậu hũ chiên… Khi nêm vào đó một chút mắm tôm thì không chỉ sạch bún mà nồi cơm nguội hôm qua cũng chỉ còn lại cơm cháy dưới đáy nồi. Lạ kỳ cái món canh bún, bỏ cơm nguội vào ăn ngon gì đâu!
Tiếng rao gánh hàng rong của những người mẹ, người dì, người chị đã thành một phần trong cuộc sống của người Sài Gòn. Ở đó có tiếng rao của dì Hai và món ăn “huyền thoại” canh bún đã in sâu vào tâm hồn trong trẻo của tuổi thơ tôi ngày đó.