Xuân đến, muôn hoa đua nở, tiết trời như thay màu áo mới, tất cả đã mời gọi bước chân của du khách thập phương lên vùng cao để tận hưởng xuân thì.
Mộc Châu: Bốn mùa đều đẹp
Là điểm nhấn du lịch của tỉnh Sơn La, Mộc Châu bốn mùa đều có vẻ đẹp độc đáo thu hút khách du lịch. Không chỉ là những đồi chè xanh mướt trải dài như vô tận, cao nguyên này còn hấp dẫn bởi vườn hồng, rừng mơ, thác nước… Với cách làm du lịch sáng tạo của địa phương, mỗi năm lên Mộc Châu, du khách lại có nhiều thứ mới để trải nghiệm.
Đặc biệt, sau dịp Tết nguyên đán, từ tháng 2 đến tháng 3 Dương lịch, du khách nhiều nơi háo hức lên Mộc Châu để hòa mình vào sắc trắng tinh khôi của hoa mơ, hoa mận, hoa cải. Làng nguyên thủy Hang Táu với đặc trưng: không điện, không Internet, không sóng điện thoại cũng là điểm đến hoang sơ mới nổi trong thời gian gần đây.
Tết năm nay, lượng khách đến Mộc Châu tăng gấp 5 - 6 lần ngày thường. Giá dịch vụ tham quan gần như không tăng, giá ăn uống ổn định, tuy nhiên dịch vụ lưu trú tăng nhẹ do lượng khách đông.
Gợi ý 6 địa điểm check in khi đi du lịch Mộc Châu dịp này: Vườn Hồng Lan Dương, Tiểu khu Chờ Lồng; Vườn cam Hương Tú 68; Vườn mận Hải Yến, Tiểu khu Chờ Lồng; Bản Vặt Farm; Nông trại Dâu Tây Đông Miền; Đồng hoa Cải Loóng Luông, Vân Hồ.
Cao nguyên đá Hà Giang: Vẻ đẹp hoang sơ nơi cực Bắc
Dành kỳ nghỉ xuân dài ngày để trải nghiệm vẻ đẹp hoang sơ nơi cực Bắc – cao nguyên đá Hà Giang - đã trở thành thông lệ của nhiều bạn trẻ, thậm chí là nhiều gia đình. Sở hữu cảnh sắc thiên nhiên phong phú, nổi bật là các điểm: hẻm Tu Sản, sông Nho Quế, đèo Mã Pì Lèng, Dốc thẩm Mã, Cột cờ Lũng Cú,… Hà Giang được cảm nhận trên từng chặng đường chứ không phải chỉ một đích đến nào đó.
Sông Nho Quế, hẻm Tu Sản - địa điểm mang tính biểu tượng của du lịch Hà Giang
Tháng 9/2023, Hà Giang đã được vinh danh là "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023" do Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) công bố. Là địa phương tập trung nhiều dân tộc ít người, đa số các huyện, thị trấn của Hà Giang như Hoàng Su Phì, Yên Minh, Bắc Mê, Mèo Vạc,… đều có dấu ấn văn hóa bản địa riêng, phong phú. Gần đây, nhiều người không ngại vượt quãng đường xa xôi để đến trải nghiệm ngôi làng của người Lô Lô ở dưới chân cột cờ Lũng Cú – nơi được mệnh danh là làng cổ tích giáp biên giới.
Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Hà Giang, trong 3 ngày Tết Nguyên đán, tỉnh đã đón 141.200 lượt du khách đến tham quan, tăng 64% so với năm ngoái. Hết Tết nhưng vẫn còn xuân, lượng khách đến Hà Giang du xuân 2024 hứa hẹn vẫn sẽ là những con số ấn tượng.
Sa Pa: Mùa lễ hội
Sa Pa luôn là một trong những sự lựa chọn hàng đầu của những du khách khát khao được một lần "chạm tay" vào mây trời của vùng rẻo cao Tây Bắc. Tết cũng là thời điểm khởi động cho mùa lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây. Đặc biêt, Lễ hội Khèn hoa - Ngày hội các dân tộc và hội xuân Mở cổng trời Fansipan năm nay mang đến chuỗi 5 lễ hội đặc sắc khác nhau kéo dài đến ngày 9/3, đại diện cho các dân tộc thiểu số Mông, Tày, Dao đỏ, Xa Phó, Giáy. Du khách có cơ hội trải nghiệm nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo của người dân địa phương như: Lễ hội Gàu Tào của dân tộc Mông, Lễ hội Lồng Tồng của dân tộc Tày, Lễ hội Pút Tồng của dân tộc Dao, Lễ hội Quét Làng của dân tộc Xa Phó, Lễ hội Roóng Poọc của dân tộc Giáy.
Rực rỡ sắc màu lễ hội mùa xuân tại Sa Pa
Trong dịp này, nhiều phong tục thú vị của các dân tộc cũng được tái hiện như: dựng cây nêu, tái hiện tục bắt vợ của người Mông; hoạt động Chầu Then của người Tày; lễ cúng và các điệu múa, hát giao duyên, hát đồng dao của dân tộc Xa Phó; các điệu múa xòe và tục nhuộm trứng của dân tộc Giáy…
Ngoài ra, mùa xuân Sa Pa còn mang đến những phiên chợ đầy ý nghĩa với mong muốn mua may bán rủi của người vùng cao. Năm 2024, thị xã Sa Pa đặt ra mục tiêu đón 4,5 triệu lượt khách và tổng doanh thu 15.500 tỷ đồng.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...