Theo đó, hoạt động tháng 3 sẽ có sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của 16 dân tộc (Nùng, Tày, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer) với sự tham gia của 11 địa phương, với các điểm nhấn của các địa phương có đồng bào hoạt động hàng ngày (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Thừa Thiên Huế, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Sóc Trăng). Huy động khoảng 20 đồng bào X’tiêng tỉnh Bình Phước ngày 09,10/3/2024. Huy động khoảng 35 nghệ nhân đồng bào dân tộc Thái tỉnh Sơn La ngày 23,24/3/2024.
Ảnh minh họa
Đến với sự kiện, khán giả sẽ được khám phá sắc màu văn hóa truyền thống của đồng bào X’tiêng tỉnh Bình Phước được tái hiện trong Lễ Crac Băr mêy (lễ mừng cơm mới); Chương trình dân ca dân vũ chủ đề: “Men say cao nguyên”; Giới thiệu, trình diễn trang phục, trang sức bạc truyền thống của đồng bào X’tiêng (nhóm Bù Đek) chủ đề: “Hương sắc bazan”; Tái hiện, trình diễn, truyền dạy kỹ thuật đan lát truyền thống của người X’tiêng (nhóm Bù Đek) tỉnh Bình Phước; Giới thiệu không gian ẩm thực, trưng bày sản vật địa phương của đồng bào X’tiêng tỉnh Bình Phước.
Sắc màu văn hóa dân tộc Thái, tỉnh Sơn La với “Ngày hội hoa ban” sẽ diễn ra với việc tái hiện Lễ xên bản (Xên mường); Chương trình giao lưu dân ca dân vũ “Tiếng hát mùa Ban”; Giới thiệu ẩm thực từ hoa Ban và vẻ đẹp hoa Ban qua hình ảnh người con gái Thái.
Chuỗi hoạt động tạo môi trường, điều kiện để các nhóm đoàn gặp gỡ, giao lưu gắn với thông điệp góp phần động viên tinh thần đồng bào khắc phục khó khăn, đoàn kết chung tay bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống. Ảnh minh họa
Đặc biệt, vào dịp cuối tuần, sẽ diễn ra chương trình “Tháng Ba Tây Nguyên - Em là hoa Pơ lang” với các bài ca, múa về mùa xuân dân tộc, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, văn hóa, con người Tây Nguyên khi tháng 3 về, âm hưởng rộn rã của các nhạc cụ Tây Nguyên, các ca khúc về Tây Nguyên với một sức sống mới, niềm cảm hứng mới. Với sắc màu của đồng bào dân tộc Tây Nguyên còn có sắc hoa cà phê trắng muốt, hình ảnh của những cây Pơ Lang vươn mình trong nắng tháng Ba. Tây Nguyên bình dị qua cảnh vật, qua lòng người và qua cuộc sống chân thực của mỗi đồng bào Tây Nguyên nơi đây. Cùng với đó, sự kiện cũng giới thiệu vẻ đẹp của người phụ nữ Tây Nguyên qua trang phục “Em là hoa Pơ lang”.
Ngoài ra, công chúng có thể trải nghiệm chương trình du lịch tại không gian Khu các làng dân tộc. Ví dụ như tại cụm các làng dân tộc Nùng, Tày, Mông, Dao là trải nghiệm ẩm thực làm bánh truyền thống, chế tác đàn tính, nghề thuốc nam và quy trình nấu rượu ngô của đồng bào dân tộc Mông...
Tại cụm các làng dân tộc Mường, Lào, Khơ Mú, Thái sẽ là giới thiệu di sản xòe Thái, vũ điệu kết đoàn, chiêng Mường, điệu múa au eo…; cụm làng dân tộc Tà Ôi, Ba Na, Xơ Đăng sẽ có trải nghiệm về âm nhạc cồng chiêng Tây Nguyên, âm nhạc tre nứa, dệt Zèng - Di sản Văn hóa Phi Vật thể Quốc gia…
Cùng với các lễ hội và hoạt động dân ca, dân vũ mang khí sắc mùa xuân, sức trẻ chuỗi hoạt động góp phần thu hút khách du lịch, kết nối quảng bá du lịch văn hóa địa phương, vùng miền, chuỗi hoạt động tạo môi trường, điều kiện để các nhóm đoàn gặp gỡ, giao lưu gắn với thông điệp góp phần động viên tinh thần đồng bào khắc phục khó khăn, đoàn kết chung tay bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống.