Tính đến hết ngày 29.8, các địa phương tại TP.HCM báo cáo đã lập danh sách được 271.036 trẻ từ 1 - 5 tuổi (con số này chỉ tương đương 62% số trẻ trên hệ thống thông tin tiêm chủng quốc gia). Tuy nhiên, trong 271.036 trẻ trong danh sách có hơn 54.800 trẻ chưa tiêm đủ mũi vắc xin ngừa sởi.
Trên cơ sở chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM có văn bản kiến nghị các đơn vị, địa phương tăng cường các giải pháp chủ động ứng phó dịch bệnh sởi.
Theo đó, Sở Y tế TP.HCM cần phối hợp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP.Thủ Đức triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại địa bàn quản lý.
Cụ thể, đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch thực hiện theo luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch quận, huyện, TP.Thủ Đức, phường, xã, thị trấn.
Với các trường hợp mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh, phải thực hiện khai báo đầy đủ, chính xác với cơ quan y tế trong 24 giờ sau khi có chẩn đoán để được quản lý và xét nghiệm.
Thực hiện chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella không kể tiền sử tiêm chủng cho tất cả trẻ em từ 1 - 5 tuổi, có thể mở rộng độ tuổi theo tình hình dịch bệnh. Tổ chức thu dung, điều trị, chăm sóc, cách ly y tế và kiểm soát dịch tại cộng đồng theo đúng các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.
Tổ chức tiêm chủng cho trẻ
Với Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, cần tổ chức tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi cho đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non, mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học để thông báo cho phụ huynh đưa trẻ tiêm vắc xin sởi sớm nhất.
Ngoài ra, lập danh sách và điều tra tiền sử tiêm chủng của học sinh và gửi giấy mời thông báo cho cha mẹ của trẻ chưa tiêm đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng để đưa trẻ đến tiêm vắc xin sởi sớm nhất.
Phối hợp trung tâm y tế, trạm y tế tổ chức tiêm chủng tại trường học hoặc trạm y tế đảm bảo trẻ được tiếp cận với vắc xin càng sớm càng tốt, an toàn và hiệu quả.
Bên cạnh đó, HĐND TP.HCM kiến nghị Sở LĐ-TB-XH TP.HCM lập danh sách và điều tra tiền sử tiêm chủng của trẻ từ 1 - 10 tuổi. Thông báo cho phụ huynh của những trẻ chưa tiêm đủ mũi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng để đưa trẻ đi tiêm vắc xin ngừa sởi sớm nhất.
Sở TT-TT TP.HCM cần phối hợp các sở ngành thực hiện truyền thông, tuyên truyền phòng chống bệnh sởi trong cộng đồng; tuyên truyền vận động người dân tiêm vắc xin phòng chống dịch sởi.
Đối với UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức, cần củng cố Ban Chỉ đạo phòng chống dịch trên địa bàn, triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng, chống dịch sởi cho trẻ từ 1 - 10 tuổi đang sinh sống, học tập trên địa bàn.
Tuyên truyền hiện các biện pháp phòng, chống dịch, nguy cơ và tác hại của dịch bệnh nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
Ngoài ra, chỉ đạo UBND phường, xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn phối hợp trạm y tế rà soát, lập danh sách, tuyên truyền, vận động người dân đưa trẻ từ 1 - 10 tuổi chưa được tiêm đủ mũi phải tiêm chủng bổ sung 1 mũi vắc xin sởi - rubella (không phân biệt thường trú và tạm trú).
Đồng thời tổ chức các đợt tiêm chủng tại các cơ sở giáo dục, cơ sở trợ giúp xã hội trên địa bàn nhằm đảm bảo độ bao phủ vắc xin sởi trong thời gian sớm nhất.