Từ đầu năm đến nay, Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên tiếp nhận 27 ca bệnh sởi, trong đó có 20 ca bị biến chứng viêm phổi, suy hô hấp.
Đáng chú ý, có 5 trường hợp mắc bệnh dưới 9 tháng tuổi (các trường hợp này đều chưa được tiêm vaccine phòng bệnh sởi). Bệnh tăng mạnh vào tuần 3 và tuần 4 tháng 8/2024.
TS.BS Trần Thị Thúy Minh, Trưởng Khoa Nhi tổng hợp cho biết: Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, cấp tính, lây lan rất nhanh, lây gấp nhiều lần so với COVID-19, có khả năng gây dịch lớn nếu tỷ lệ tiêm chủng trong cộng đồng không đạt mức cần thiết. Chỉ cần một trường hợp mắc sởi cũng có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm rộng trong cộng đồng, làm tăng khả năng bùng phát dịch bệnh. Sởi có chu kỳ bùng phát khoảng 4 – 5 năm một lần và để ngăn ngừa bệnh hiệu quả, cộng đồng cần đạt tỷ lệ miễn dịch ít nhất 95%.
Theo bác sĩ Minh, bệnh sởi có khả năng lây lan cực nhanh và nhiều biến chứng nguy hiểm. Bất kỳ người nào không có miễn dịch đều có thể bị nhiễm bệnh. Đáng chú ý, trẻ nhỏ chưa được tiêm chủng và phụ nữ mang thai có nguy cơ cao bị biến chứng sởi nặng.
Virus sởi có đường kính rất nhỏ nên khi người bệnh nói chuyện, ho hoặc hắt hơi, virus gây bệnh có thể phát tán ra ngoài không khí. Người chưa có miễn dịch hít vào sẽ bị lây bệnh. Chính vì tốc độ lây lan nhanh chóng mà sởi trở thành một trong những bệnh truyền nhiễm đáng lưu ý. Dịch sởi bùng phát rất khó kiểm soát, dễ dẫn đến những biến chứng nguy hiểm.
Các triệu chứng của sởi bao gồm sốt cao từ 39-40 độ C, người nhức mỏi, mắt đỏ do viêm kết mạc, mũi chảy dịch, chảy máu cam, ho, hắt hơi, đau họng, chán ăn, người xuất hiện các nốt phát ban đỏ li ti. Các nốt phát ban thường mọc ở mặt, vùng vai gáy trước rồi lan dần ra khắp cơ thể. Trong quá trình phát ban, người bệnh sẽ sốt, đau mỏi cơ liên tục cho đến khi các nốt ban phủ kín từ đầu đến chân. Sau vài ngày, các nốt ban sẽ bay dần đi tạo thành các vết thâm da. Khoảng 1-2 tuần sau các vết thâm mới biến mất.
“Thông thường, bệnh sởi kéo dài khoảng từ 7-10 ngày. Trong thời gian bị bệnh, sức đề kháng của cơ thể suy giảm nhanh chóng, người bệnh dễ gặp phải các biến chứng như tiêu chảy cấp, viêm tai giữa, viêm phổi, viêm phế quản, thậm chí là viêm não, mù lòa, viêm cơ tim… Phụ nữ mang thai mắc bệnh sởi có thể bị sảy thai, sinh non hoặc gây dị tật thai nhi. Thông thường, những người mắc bệnh sởi bắt đầu hồi phục ngay khi phát ban xuất hiện và cảm thấy bình thường trở lại sau khoảng hai đến ba tuần. Nhưng có tới 40% bệnh nhân bị biến chứng do virus sởi, thường xảy ra ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi hoặc ở người lớn trên 20 tuổi và ở bất kỳ ai khác nếu suy dinh dưỡng hoặc suy giảm miễn dịch. Trẻ em dưới 5 tuổi có xác suất tử vong cao nhất” – bác sĩ Minh cho biết thêm.
Để phòng bệnh sởi hiệu quả, các gia đình cần chủ động đưa trẻ trong độ tuổi (9 tháng – 2 tuổi) chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ 2 mũi vaccine sởi hoặc trẻ từ 1-14 tuổi chưa tiêm vaccine sởi-rubella đầy đủ và đúng lịch.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...