Tình hình dịch bệnh sởi trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang diễn biến phức tạp và đáng lo ngại.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tỉnh đã ghi nhận tới hơn 2.080 ca mắc, trung bình mỗi ngày có khoảng 70 ca mới xuất hiện, trải đều khắp 11 huyện, thị xã và thành phố. Đặc biệt, phần lớn những trường hợp mắc bệnh là trẻ em dưới 5 tuổi, với một trường hợp tử vong đã được ghi nhận.
Điều đáng chú ý là lần dịch này không chỉ ảnh hưởng đến trẻ nhỏ, mà số lượng người lớn mắc sởi cũng đang gia tăng với mức báo động. BSCKI. Đoàn Quốc Duy – Trưởng Khoa Bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết: Từ đầu tháng 10 trở lại đây, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị hơn 70 ca mắc sởi, với độ tuổi trung bình dao động từ 20 đến 40. Trong số này có 10 ca cần hỗ trợ hô hấp (thở oxy), 2 ca phải sử dụng máy thở HFNC và 1 ca bị suy đa cơ quan đang phải thở máy xâm lấn và lọc máu liên tục. Tình hình này đặt ra yêu cầu cấp bách trong công tác phòng chống dịch bệnh và nâng cao nhận thức của cộng đồng.
Trường hợp đáng chú ý là bệnh nhân N.T.B.N., 32 tuổi, cư trú tại phường Mỹ Xuân, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Bệnh nhân nhập viện với triệu chứng sốt cao, ban đỏ toàn thân, mệt mỏi, khó thở, lừ đừ, suy hô hấp và huyết áp thấp. Các bác sĩ đã chẩn đoán chị mắc bệnh sởi, viêm phổi nặng, choáng nhiễm trùng kèm theo suy đa tạng. Để cứu chữa, bệnh nhân đã được chỉ định thở máy, sử dụng vận mạch, truyền kháng sinh và lọc máu liên tục. Sau đó, bệnh nhân đã được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh) để tiếp tục điều trị.
Một trường hợp khác là bệnh nhân N.T.H.C., 37 tuổi, cư trú tại xã Phước Bình, huyện Long Thành. Bệnh nhân đang mang thai ở tuần thứ 17 và làm việc tại Công ty May Thạnh Mỹ (Bà Rịa-Vũng Tàu). Bệnh nhân cũng có các triệu chứng sốt phát ban ở mặt, cổ, ngực, kèm theo buồn nôn và khó thở khi nhập viện. Đến nay, nguồn lây nhiễm vẫn chưa được xác định vì không có ai trong gia đình chị mắc bệnh sởi. Sau nhiều ngày điều trị tích cực, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định và chuẩn bị xuất viện.
Hay như nam bệnh nhân Đ.T.A., sinh năm 2004, cư ngụ tại xã Long An, huyện Long Thành, hiện làm việc tại Công ty Topband, cũng đã xuất hiện các triệu chứng đáng lo ngại như sốt kèm phát ban ở mặt và ngực, buồn nôn, khó thở, giảm tiểu cầu nặng, ra nhiều dịch và đau rát hai mắt. Bệnh nhân còn gặp phải tình trạng đỏ mắt, nhìn mờ và xuất huyết viêm loét kết mạc, cũng mạc. Sau nhiều ngày kiên trì điều trị, đến nay, các triệu chứng của bệnh nhân đã có dấu hiệu thuyên giảm tích cực.
Theo bác sĩ Duy, nguyên nhân chính khiến nhiều bệnh nhân trưởng thành mắc sởi là do virus lây lan qua đường hô hấp. Những người chưa từng mắc sởi, chưa được tiêm vaccine hoặc đã tiêm nhưng miễn dịch đã suy giảm, đều có nguy cơ cao. Đặc biệt, đối với các chị em phụ nữ, tình huống thường gặp là lây nhiễm khi chăm sóc con nhỏ mắc sởi.
Bác sĩ Duy khuyến cáo, để ngăn ngừa bệnh sởi một cách hiệu quả, mỗi người dân cần chủ động tạo miễn dịch cho cơ thể bằng cách tiêm vaccine. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang khi ở những nơi đông người, thường xuyên rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng, cũng như duy trì chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng là vô cùng quan trọng. Khi có triệu chứng như sốt và phát ban, mọi người nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác và nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Nguồn: vtv.vn
Đang gửi...