Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung mới đây đã ký quyết định phê duyệt Đề án phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.
Đề án hướng đến mục tiêu xây dựng nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế nguyên liệu hữu cơ sẵn có để sản xuất phân bón hữu cơ.
Theo Bộ NN-PTNT, nông nghiệp Việt Nam trong 30 năm trở lại đây chủ yếu dựa trên phân bón vô cơ do áp lực thâm canh tăng năng suất và tính tiện dụng trong lưu thông, sử dụng như gọn nhẹ, tác động nhanh đến sinh trưởng, phát triển của cây trồng. Tuy nhiên, hầu hết nông dân ở Việt Nam sử dụng phân bón chưa hợp lý, mất cân đối và thường bón phân hóa học với liều lượng cao hơn nhiều so với khuyến cáo.
Hằng năm, ngành nông nghiệp sử dụng khoảng 10 triệu tấn phân bón, trong đó phân bón vô cơ chiếm 75%. Đáng lưu ý, Việt Nam đang sử dụng với mức bón cao hơn nhiều quốc gia và gấp 3 lần trung bình của thế giới. Phân bón được sử dụng mất cân đối, không tuân thủ các nguyên tắc được khuyến cáo, dẫn tới hiệu suất sử dụng ở thấp, chỉ đạt 40 - 45% đối với phân đạm; 25 - 30% đối với phân lân và 55 - 60% đối với phân kali.
Tình trạng mất cân đối trong sử dụng phân bón không chỉ gây lãng phí mà còn làm ô nhiễm đất, nguồn nước (nước mặt, nước ngầm); gia tăng phát thải khí nhà kính và ảnh hưởng tới chất lượng nông sản.
"Cú hích" thúc đẩy phát triển sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ
Theo nhận định từ các chuyên gia, phân bón hữu cơ nếu được sử dụng rộng rãi trong sản xuất nông nghiệp ngoài việc cung cấp chất dinh dưỡng ổn định cho cây trồng còn có tác dụng cải thiện tính chất vật lý, hóa học, sinh học đất, hạn chế rửa trôi, tăng độ thấm và khả năng giữ nước của đất, tăng khả năng chịu hạn của cây trồng. Trong khi đó, Việt Nam có tiềm năng rất lớn về nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ.
Bộ NN-PTNT khẳng định, nguồn nguyên liệu để sản xuất phân bón hữu cơ ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng, phong phú bao gồm chất thải từ chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản, phụ phẩm cây trồng, than bùn, rác thải sinh hoạt và các chế phẩm vi sinh, các nguyên tố khoáng, chất sinh học bổ sung để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng phân bón.
Theo ước tính, mỗi năm có khoảng 200 triệu tấn chất thải hữu cơ từ sản xuất chăn nuôi; trồng trọt; thủy sản, công nghiệp chế biến, rác thải sinh hoạt và chất hữu cơ tự nhiên có thể khai thác để sử dụng làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ.
Ngoài ra, ngành công nghiệp chế biến nông sản thực vật, động vật, thủy sản mỗi năm cũng thải ra vài triệu tấn chất thải hữu cơ. Đây là các nguồn nguyên liệu hữu cơ có hàm lượng chất dinh dưỡng, là lượng mùn khá cao cho các nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ.
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật cho biết, cả nước hiện có 7.000 sản phẩm phân bón hữu cơ (bao gồm cả phân bón sinh học), chiếm 27% tổng số phân bón được công nhận lưu hành. Những năm gần đây, sản lượng phân bón hữu cơ từ các nông hộ gia tăng theo từng năm.
Năm 2020, cả nước ước tính có 16,8 triệu tấn phân bón hữu cơ do nông hộ sản xuất, đến năm 2021 đã tăng lên 18,36 triệu tấn và đạt trên 21 triệu tấn trong năm 2022, nhưng chỉ đáp ứng được khoảng 10 - 25% nhu cầu sử dụng.
Trong đề án đã phê duyệt, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên trên 30% so với tổng số sản phẩm phân bón; công suất sản xuất phân bón hữu cơ đạt 5 triệu tấn/năm. Phân bón hữu cơ công nghiệp sử dụng chiếm tối thiểu 30% so với tổng lượng phân bón sử dụng trong sản xuất nông nghiệp.
Cạnh đó, Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng được các mô hình sử dụng phân bón hữu cơ hiệu quả trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia: lúa, cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, chè, cây ăn quả, rau, sắn. Đến năm 2030 sẽ có ít nhất 80% số tỉnh, thành phố xây dựng được mô hình sử dụng phân bón hữu cơ gắn với chuỗi giá trị đối với các sản phẩm chủ lực, đặc sản có lợi thế của địa phương.