Năm 2019, gần 100 hộ dân ở bản Cà đã làm đơn "kêu cứu" gửi cơ quan chức năng, phản ánh các nhà máy này hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn, bụi đá, ảnh hưởng đến sức khỏe, đảo lộn cuộc sống của người dân. UBND H.Quỳ Hợp sau đó thành lập đoàn kiểm tra. Đoàn này kết luận phản ánh của người dân là có cơ sở và yêu cầu công ty này phải có biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân sống xung quanh nhà máy.
Từ đó đến nay, người dân ở đây vẫn sống trong lo lắng. Không thể di dời được nhà máy, người dân đang mong muốn được di dời nhà đến nơi khác sinh sống, nhưng nguyện vọng chính đáng này vẫn chưa thể thực hiện. Lãnh đạo chính quyền địa phương cho hay những hộ dân này nằm ngoài phạm vi nhà máy, nếu khoảng cách từ nhà máy đến nhà dân không đảm bảo theo quy định thì phải di dời dân và kinh phí di dời này do chủ nhà máy phải trả. Trong khi đó, người dân sau nhiều lần kêu ca không có kết quả, họ chỉ còn cách phải… chịu đựng.
Không chỉ ở Châu Quang, một số cụm công nghiệp khác ở H.Quỳ Hợp mọc lên không theo quy trình, không được xây dựng hạ tầng đồng bộ đang khiến người dân và chính quyền khổ sở.
Chia sẻ với người viết, một vị lãnh đạo H.Quỳ Hợp thừa nhận việc xây dựng nhà máy ở vị trí gần mỏ đá nguyên liệu là có lợi cho doanh nghiệp khi giảm được chi phí vận chuyển, tuy nhiên các nhà máy chế biến đá, bột đá không được quy hoạch bài bản, hạ tầng đồng bộ lại gây khổ cho người dân. Lợi cho doanh nghiệp thì rõ, nhưng hại cho dân thì cũng khôn lường.