Làm bằng cấp 3 photo, công chứng giả?
Đầu tháng 3, thông qua thông tin trên mạng xã hội, anh H.L.T.T (20 tuổi, quê Vĩnh Long) liên hệ với công ty nói trên. Theo lịch hẹn, ngày 13.3, T. đến trụ sở công ty trên đường Trần Thị Trọng. Công ty này do ông N.T.D (29 tuổi) làm giám đốc, đại diện pháp luật.
Tại đây, nhân viên tư vấn cho anh T. về hợp đồng đi Nhật theo dạng Tokutei (xuất khẩu lao động 5 năm tại Nhật). Anh T. sẽ được công ty đào tạo học tiếng Nhật, thi chứng chỉ tiếng Nhật N4JFT tại Campuchia; học chứng chỉ hàng không, thi chứng chỉ nghề hàng không tại Philippines; thi bằng lái B1 và bằng cấp 3.
T. thừa nhận mình chỉ mới học hết cấp 2 nên không có bằng cấp 3 thì công ty này nói anh T. đóng 3 triệu đồng để xử lý.
Tại đây, T. đã cọc tiền 5 triệu đồng cho công ty. Sau khi cọc tiền, T. được nhân viên sắp xếp chỗ ở ngay tại công ty và cũng là nơi tổ chức dạy học.
Trụ sở công ty là căn nhà 4 tầng, trong đó 2 tầng được dùng để làm nơi ở cho học viên, chia theo nam và nữ. Thời điểm T. học thì nơi này có khoảng 60 học viên chen chúc sống với nhau, không có lối thoát hiểm.
Ngày 15.3, T. bắt đầu khóa học. Đến ngày 28.3, công ty kêu T. đóng 67 triệu đồng để đăng ký thi tiếng Nhật, chứng chỉ hàng không và bằng lái B2. Nghe vậy, T. báo gia đình chuyển tiền đóng cho công ty.
Sau đó, công ty thông báo sẽ có cuộc phỏng vấn online lúc 8 giờ 30 phút ngày 19.4 với nghiệp đoàn ở Nhật.
Đến ngày hẹn, công ty tạo một nhóm họp online cho 11 học viên, trong đó có T. phỏng vấn với nghiệp đoàn. Nhóm học viên chờ mãi đến 15 giờ 30 phút nhưng trong nhóm họp online này không có nghiệp đoàn nào xuất hiện, phỏng vấn.
Sau đó, ông N.T.D thông báo bằng miệng là tất cả 11 học viên đã đậu phỏng vấn dù không gặp ai. Đến ngày 27.4, ông N.T.D yêu cầu học viên đóng thêm 30 triệu đồng và ngày 29.4 nộp 3 triệu đồng tiền làm bằng cấp 3.
Đầu tháng 6 thì công ty làm xong 3 bản bằng cấp 3 photo công chứng, với thông tin của T., trong đó công ty giữ 2 bản còn T. giữ 1 bản. Đáng chú ý, bằng cấp 3 này còn có thông tin trường học, ngày thi, hội đồng thi, chữ ký và dấu mộc của đơn vị giáo dục ở tỉnh Vĩnh Long. Còn về dấu mộc đỏ công chứng sao y thì thể hiện văn phòng công chứng và nhân viên công chứng tên Tr.N.T, địa chỉ ở H.Chương Mỹ (TP.Hà Nội).
Bản thân anh T. khẳng định đây là bằng giả vì T. chỉ mới học hết cấp 2.
Né tránh, không làm việc
Đến ngày 10.7, phó giám đốc công ty là ông H.C.T nói công ty đang gặp khó khăn, yêu cầu học viên về gặp gia đình để đóng thêm 37 triệu đồng. Ngày 19.7, T. đóng đủ số tiền này cho công ty.
Đến đầu tháng 9, tại buổi test kỹ năng nói tiếng Nhật với giáo viên thì T. và một số học viên chưa đạt. Sau đó thì công ty kêu T. về quê đến khi nào dẫn phụ huynh lên thì cho nhập học lại. Đến ngày 27.9, ba T. lên làm việc với công ty.
Tại đây, ông yêu cầu phía công ty xác nhận T. đã đậu đậu phỏng vấn (hôm 19.4) và hỏi số tiền đã đóng chi vào mục đích gì, biên lai chi thì ông H.C.T hứa sẽ trả lại số tiền và sẽ đưa hóa đơn đã chi tiền. Gia đình T. quyết định dừng việc học. Nhưng sau nhiều lần hứa hẹn thì phía công ty không cung cấp được biên lai, không trả lại tiền và thách thức gia đình anh T. báo công an.
Theo ghi nhận của PV, các giấy tờ đã ký kết giữa công ty với gia đình học viên có nhiều điểm bất thường.
Cụ thể, các giấy tờ này do công ty cung cấp có rất nhiều lỗi chính tả, trong một số biên lai thu tiền và địa chỉ công ty không thông nhất (lẩn lộn giữa Q.Tân Bình và Q.Bình Tân), hợp đồng không nói thời gian khi nào học viên được đi Nhật lao động, không nói số tiền phải đóng tổng là bao nhiêu.
Gia đình anh T. cho hay, do ở quê thiếu hiểu biết nên khi công ty kêu đóng thêm tiền thì gia đình cố đi vay mượn để đóng, chứ không biết gì. Tính đến thời điểm hiện tại , gia đình anh T. đã đóng cho công ty 142 triệu đồng.
Gia đình cũng đã sao kê số tiền này, cùng biên lai để trình báo các cơ quan chức năng Q.Tân Bình.
Liên quan vụ việc, trước đó ngày 8.11, Phòng LĐ-TB-XH Q.Tân Bình mời anh T. và phía công ty đến trụ sở tiếp công dân để giải quyết tranh chấp nhưng phía công ty vắng mặt. Đến ngày 11.11, Phòng LĐ-TB-XH tiếp tục mời lần 2 nhưng công ty cũng vắng mặt.
Tương tự, chị N.T.K.X (19 tuổi, quê Vĩnh Long), chị N.T.P (30 tuổi) và một số học viên khác cùng đóng số tiền 135 triệu đồng cho công ty này và cũng gặp hoàn cảnh nói trên. Họ đã trình báo vụ việc đến Công an P.15 (Q.Tân Bình) và các cơ quan chức năng khác.
Hiện vụ việc đang được Công an P.15 phối hợp các cơ quan chức năng khẩn trương xác minh làm rõ.