Bạo lực gia đình vẫn đang là vấn đề nóng, để chấm dứt vấn đề này cần nhìn nhận nghiêm túc và hành động quyết liệt từ cả vợ và chồng để xây dựng một gia đình hòa thuận, yêu thương.
Theo báo cáo điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ năm 2020, có gần hai trong ba phụ nữ Việt Nam (tỷ lệ 63,8%) đã từng trải qua ít nhất một hình thức bạo lực hoặc bị kiểm soát hành vi bởi chồng trong suốt cuộc đời của họ. Báo cáo cũng chỉ ra rằng trong số các vụ bạo lực gia đình bị phát hiện, có đến 74% nạn nhân là phụ nữ và 11% là trẻ em, một tỷ lệ không hề nhỏ và đáng báo động.
Mặc dù số vụ bạo lực gia đình được báo cáo có xu hướng giảm so với những năm trước, nhưng thực tế cho thấy tình trạng này vẫn tiếp tục là một vấn đề nóng trong xã hội và nhiều vụ việc nghiêm trọng vẫn xảy ra. Chẳng hạn, vụ việc xảy ra tại Hải Dương vào năm 2023 đã khiến dư luận cả nước dậy sóng, không chỉ vì mức độ nghiêm trọng của hành vi bạo lực mà còn bởi sự nhẫn tâm từ chính người chồng - người đáng lẽ phải bảo vệ vợ mình. Nạn nhân, một phụ nữ đang mang thai ở tháng thứ 7, đã phải chịu đựng những trận đòn đau đớn để lại trên cơ thể hàng trăm vết thương, đồng thời gây ra những tổn thương sâu sắc trong tâm hồn.
Hay mới đây, tại Quảng Ngãi, hình ảnh người vợ quỳ lạy, van xin nhưng vẫn không tránh khỏi trận bạo hành từ chồng mình thực sự làm nhói lòng những ai chứng kiến. Điều đáng tiếc hơn là sau đó, chính người vợ đã xin không xử phạt chồng vì tin rằng đây là lần đầu xảy ra hoặc do tác động của rượu.
Những câu chuyện như vậy không chỉ phản ánh sự bất lực của các nạn nhân mà còn là lời nhắc nhở về những lỗ hổng lớn trong nhận thức và trách nhiệm xã hội. Việc biện minh rằng hành vi bạo lực chỉ là "do cơn say" hoặc nạn nhân sẵn sàng tha thứ, dù xuất phát từ tình cảm hay tâm lý phụ thuộc, đều tạo điều kiện cho những vòng luẩn quẩn bạo lực tiếp tục kéo dài. Tổn thương không chỉ tồn tại trên cơ thể, mà còn khắc sâu vào tâm trí, trở thành nỗi ám ảnh đeo bám cả đời.
Rõ ràng, nhiều yếu tố như tâm lý, đạo đức, và cách giải quyết mâu thuẫn chưa đúng mực đã góp phần khiến tình trạng bạo lực gia đình kéo dài. Chấm dứt bạo lực không chỉ là vấn đề của pháp luật, mà còn là trách nhiệm của mỗi người trong việc xây dựng một gia đình hòa thuận và tôn trọng lẫn nhau.
Để chấm dứt vấn đề này, trách nhiệm của vợ chồng, cũng như những người đầu tàu trong gia đình cần được đề cao hơn bao giờ hết. Theo tiêu chí ứng xử được đặt ra, sự chân thực và nghĩa tình trong mối quan hệ vợ chồng chính là nền tảng để xây dựng một gia đình bền vững. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khi xung đột nội bộ trở nên phức tạp hơn, vai trò của mỗi người trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình cần được xác định rõ ràng.
Với vai trò là người vợ, phụ nữ cần nhận thức rõ quyền lợi và trách nhiệm của bản thân trong gia đình. Bạo lực gia đình dưới mọi hình thức đều là hành vi sai trái, và việc im lặng trước những bất công chỉ góp phần gia tăng tình trạng này. Người vợ có quyền lên tiếng, tìm kiếm sự giúp đỡ từ gia đình, hàng xóm hoặc các tổ chức bảo vệ quyền lợi phụ nữ. Quan trọng hơn, sự yêu thương, quan tâm và chia sẻ cũng là chìa khóa giải quyết nhiều vấn đề trong hôn nhân. Một người vợ nên biết cách chia sẻ khó khăn với chồng, hỗ trợ trong công việc và cùng nhau gánh vác trách nhiệm gia đình.
Về phía người chồng, điều quan trọng nhất là duy trì sự tôn trọng đối với người vợ, đặc biệt trong các tình huống xảy ra xung đột. Thay vì sử dụng bạo lực hoặc những lời lẽ cay nghiệt, người chồng cần giữ thái độ hòa nhã, đặt mình vào vị trí của người vợ để đồng cảm và thấu hiểu. Việc chia sẻ trách nhiệm gia đình chính là chìa khóa quan trọng giúp đẩy lùi vấn nạn bạo lực gia đình.
Ngoài ra, cả hai vợ chồng có trách nhiệm cùng nhau tham gia các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn con trẻ về việc đề cao giá trị nhân văn trong gia đình. Mỗi người trong gia đình có quyền và trách nhiệm trong việc góp phần xây dựng một môi trường sống bình đẳng và không bạo lực. Đã đến lúc mỗi gia đình cần nhìn nhận lại giá trị của hôn nhân dựa trên tiêu chí chung thủy, nghĩa tình. Một gia đình hạnh phúc không đến từ những lời nói hoa mỹ hay sự hy sinh thầm lặng từ một phía, mà từ nỗ lực đồng hành của cả hai người.
Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình.
- Vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
- Yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình.
- Tạo điều kiện giúp đỡ nhau lựa chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
- Lắng nghe, cùng nhau thảo luận, thống nhất và quyết định những vấn đề chung của gia đình; hòa nhã với nhau.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn
Đang gửi...