Theo nội dung công văn, cá chết hàng loạt và dòng nước có màu lạ xuất hiện trên một số nơi thuộc sông Đáy được người dân và báo chí đưa tin từ ngày 7.5. Ngày 10.5, UBND H.Nghĩa Hưng có báo cáo tình hình thủy hải sản chết trên sông Đáy gửi Sở TN-MT tỉnh Nam Định.
Sau khi nhận báo cáo của UBND H.Nghĩa Hưng, Sở TN-MT tỉnh Nam Định ra văn bản về việc tăng cường công tác quản lý, khai thác nguồn nước mặt sông Đáy.
Cạnh đó, Sở TN-MT tỉnh Nam Định tổ chức lấy mẫu nước mặt tại 3 vị trí trên sông Đáy đoạn chảy qua địa bàn H.Nghĩa Hưng. Tại thời điểm lấy mẫu, đoạn sông Đáy chảy qua địa bàn H.Nghĩa Hưng không còn hiện tượng tôm, cá chết trên sông và dạt vào bờ.
Theo phản ánh của người dân thì mấy năm gần đây năm nào cũng xuất hiện hiện tượng cá chết vào cùng thời điểm này. Tuy nhiên, năm nay lượng cá chết nhiều hơn mọi năm.
Kết quả quan trắc các thông số phân tích trong 3 mẫu nước mặt không phát hiện thấy có bất thường so với kết quả quan trắc hiện trạng môi trường nước mặt sông Đáy thực hiện hàng năm tại điểm lấy mẫu trên địa bàn H.Nghĩa Hưng, các chỉ số kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép.
Giải thích về hiện tượng cá chết, nước có màu lạ xảy ra liên tiếp nhiều năm nhưng không thấy sự chủ động của Sở TN-MT trong việc nắm bắt tình hình sự việc, bà Dương cho biết: "Những năm trước địa bàn có xảy ra hiện tượng nước có màu lạ nhưng không có tình trạng cá chết nên các địa phương không báo cáo lên sở nên chúng tôi không biết. Năm nay, khi tình hình cá chết diễn ra nhiều, UBND H.Nghĩa Hưng báo cáo kết hợp cùng việc đoàn kiểm tra của sở nắm bắt thông tin từ người dân. Nghe người dân trình bày chúng tôi mới biết mấy năm gần đây cũng đã xảy ra trường hợp nước màu lạ tương tự như năm nay".
Giải thích về hiện tượng xảy ra liên tiếp nhiều năm nhưng không thấy sự chủ động của Sở TN-MT trong việc nắm bắt tình hình sự việc, bà Dương cho biết: "Những năm trước cá chết không nhiều nên các địa phương không báo cáo sự việc. Năm nay, khi tình hình cá chết diễn ra nhiều, UBND H.Nghĩa Hưng báo cáo kết hợp cùng việc đoàn kiểm tra đi nắm bắt thông tin từ người dân mới biết mấy năm gần đây có xảy ra sự việc tương tự".
Theo bà Dương, thời gian tới, Sở TN-MT tỉnh Nam Định sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, cơ quan và chính quyền địa phương theo dõi đầy đủ diễn biến, tình hình để kịp thời tham mưu phương án giải quyết, xử lý.
"Trước mắt, để phòng ngừa nguyên nhân do nước thải của các cơ sở sản xuất xử lý không đảm bảo quy chuẩn nhưng vẫn xả thải ra môi trường gây ô nhiễm nước sông Đáy, Sở TN-MT đề nghị UBND H.Nghĩa Hưng, UBND H.Ý Yên chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, UBND các xã ven sông Đáy tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời hành vi xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý nước thải chưa đạt quy chuẩn môi trường của các cơ sở sản xuất xả nước thải ra lưu vực sông Đáy; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm (nếu có).
Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình trên địa bàn quản lý, tăng cường tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường. Theo dõi, giám sát, kịp thời phản ánh chính xác thông tin liên quan đến các nguồn thải, chất thải có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước với chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn để kịp thời ngăn ngừa xử lý theo quy định.
Bà Nguyễn Thùy Dương cho biết thêm, dọc sông Đáy chảy trên địa bàn tỉnh Nam Định có 6 nhà máy nước sạch lấy nước mặt sông và không có khu công nghiệp nào có hệ thống xả thải ra sông này.
Kết quả kiểm tra Sở TN-MT tỉnh Ninh Bình cũng chưa xác định được nguyên nhân khiến hàng loạt cá trên sông Đáy bị chết và nước có màu lạ.
Cụ thể, ngày 17.5, Sở TN-MT tỉnh Ninh Bình có báo cáo tổng hợp kết quả kiểm tra, xử lý thông tin cá chết trên sông Đáy.
Theo báo cáo, qua rà soát các nguồn xả nước thải ra lưu vực sông Đáy thuộc địa bàn tỉnh Ninh Bình cho thấy tỉnh này không có điểm xả nước thải công nghiệp xả trực tiếp ra sông Đáy. Có 2 điểm xả nước thải sinh hoạt từ khu dân cư (khoảng 3.045 hộ dân) ra sông này.
Theo đó, Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình đã thực hiện lấy 3 mẫu nước và 1 mẫu mang cá tại khu vực cá chết. Sở TN-MT lấy 10 mẫu nước dọc sông Đáy từ điểm đầu vào Ninh Bình đến cửa Đáy.
Kết quả các mẫu nước đều có hàm lượng các thông số kim loại nặng nằm trong giới hạn cho phép. Các thông số môi trường khác không biến động so với kết quả quan trắc định kỳ hàng năm của Sở TN-MT tỉnh Nam Bình. Kết quả mẫu mang cá có hàm lượng Pb, Hg nằm trong giới hạn cho phép.