Bên cạnh miễn học phí, từ năm 2021, sinh viên (SV) một số ngành sư phạm được hỗ trợ sinh hoạt phí với mức 3,63 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, qua 3 năm thực hiện đã cho thấy nhiều bất cập. SV tại hầu hết các trường phản ánh không nhận được sinh hoạt phí trong thời gian dài. Các cơ sở đào tạo cũng gặp khó khăn khi rất ít địa phương đặt hàng đào tạo và chuyển kinh phí về trường.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, sau 3 năm triển khai, tỷ lệ SV sư phạm được địa phương đặt hàng, giao nhiệm vụ chỉ chiếm 17,4% số SV nhập học, chiếm 24,3% số SV đăng ký hưởng chính sách. Số địa phương thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu là 23/63 tỉnh, thành phố. Từ thực tế này, rất nhiều ý kiến đề xuất cần sửa đổi, bổ sung để Nghị định 116 hiệu quả hơn.
Nhưng dấu hiệu tích cực nhất là chính sách này đã giúp số học sinh giỏi đăng ký vào ngành sư phạm tăng, khiến điểm chuẩn được nâng cao. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong kỳ tuyển sinh năm 2024 số thí sinh đăng ký khối ngành sư phạm tăng 85% so với năm 2023.
Tuy nhiên, ngành y, dược có những đặc thù khác với sư phạm. Trước hết y, dược là ngành học đòi hỏi đầu tư kinh phí khá lớn nên có học phí rất cao. Theo Bộ Y tế, mức học phí khoảng 27 - 200 triệu đồng/năm. Hầu hết người có học lực giỏi mới vào ngành y, dược. Khác với sư phạm tập trung phần lớn ở các trường công thì y, dược hiện nay đang đào tạo ở rất nhiều trường khối tư thục. Việc miễn học phí, cấp sinh hoạt phí sẽ đi kèm với chính sách phân bổ nhiệm sở sau khi tốt nghiệp, đào tạo theo đơn đặt hàng của địa phương cũng là vấn đề không dễ dàng, như ngành sư phạm đang gặp phải. Hướng phục vụ lâu dài cho cộng đồng sau khi ra trường của SV 2 ngành này cũng khác.
Hầu hết các trường công khối sức khỏe hiện nay đã thực hiện tự chủ nên học phí càng tăng cao. Đây là trở ngại đối với những SV giỏi nhưng hoàn cảnh khó khăn muốn theo đuổi ngành y. Mặc dù các trường vẫn có chính sách học bổng, miễn giảm học phí nhưng số này rất ít, khó tiếp cận.
Thực hiện miễn học phí cho SV ngành y, dược tuy rất nhân văn nhưng không khéo sẽ dẫn đến mất công bằng giữa SV gia đình thu nhập thấp chưa được hỗ trợ thích đáng với các SV những gia đình có điều kiện. Vì thế, thay vì miễn phí cho mọi đối tượng, có thể tìm những "lời giải" khả thi hơn. Chẳng hạn thực hiện miễn hoặc tài trợ cho những SV có năng lực nhưng hoàn cảnh khó khăn; tăng cường số lượng học bổng đáng kể cho SV ngành y, dược; kêu gọi sự đóng góp từ nguồn lực xã hội (báo chí thời gian qua đã nêu những trường hợp các tỉ phú ở Mỹ tài trợ học phí cho SV ngành y).
Khi bàn về câu chuyện học phí ĐH tăng cao, GS-TSKH Bùi Văn Ga, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, từng chia sẻ với Thanh Niên một giải pháp thiết nghĩ có thể áp dụng trong trường hợp này. Đó là nhà nước và nhà trường quan tâm trao cơ hội của người học có năng lực nhưng có hoàn cảnh khó khăn bằng các chính sách học bổng, vay vốn. Hoặc nhà nước, địa phương tạm ứng chi phí học tập với điều kiện SV tốt nghiệp phải phục vụ cho đất nước, địa phương có nhu cầu. Khi hết thời hạn phục vụ thì xem như người học đã hoàn trả kinh phí.