Qua theo dõi tình hình mưa và ngập nước các năm 2022 và 2023, Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (Sở Xây dựng) dự báo mùa mưa năm nay, trên địa bàn TP.HCM sẽ có 26 điểm ngập do tác động của mưa lớn và triều cường trên tổng số 735 tuyến đường trục chính tại địa bàn TP. Trong đó có 19 điểm ngập do mưa, gồm 5 điểm ngập sau mưa kéo dài trên 30 phút và 14 điểm ngập tức thời trong mưa và ngập sau mưa không quá 30 phút.
Ngay trong những ngày đầu tiên của mùa mưa, UBND TP.HCM đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình chống ngập và xử lý nước thải TP.HCM giai đoạn 2024 - 2025, trong đó có kế hoạch xóa các tuyến đường ngập do mưa ở TP. Thực tế, trong suốt 1 thập niên qua, TP.HCM đã lên kế hoạch triển khai hàng trăm dự án chống ngập lớn, nhỏ, song vẫn chưa thoát được cảnh nhiều tuyến đường cứ tới mùa mưa lại ngập.
Phải thoát được nước thải, nước mưa
Nhắc đến câu chuyện chưa kịp mừng vì mùa mưa đến giải cơn nóng bức đã phải ngán ngẩm cảnh tan tầm, đón con, xe chết máy trên những tuyến đường ngập nước, nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Thanh Niên thốt lên: "Rất mệt mỏi". BĐ Quốc Việt Nguyễn nêu: "Chuyện này thực sự mệt mỏi vì cứ đến hẹn lại lên, chưa thấy được chuyển biến lớn. Như khu dân cư chỗ chúng tôi, sau khi Thủ Đức được nâng lên TP ai cũng vui mừng. Nhưng khi có mưa, không có cống thoát thì những chỗ ngập lại càng ngập hơn vì đường hẻm xuống cấp. Người dân vẫn sống chung với ngập".
Một số BĐ cũng bày tỏ lo ngại, bức xúc về sự việc nhiều tuyến đường tại TP.Thủ Đức, đặc biệt là khu vực chợ Thủ Đức, ngập nước nghiêm trọng trong trận mưa lớn giữa tuần trước, mặc cho hệ thống thoát nước hàng trăm tỉ đồng vừa khánh thành chưa lâu. BĐ Thuong Pham Kieu lo lắng: "Các dự án chống ngập nước có vẻ như chưa có tác dụng khi mới mưa đầu mùa mà đã ngập tùm lum. Liệu chúng ta có đang sai lầm khi mải lo ngăn triều mà không lo thoát nước hiệu quả?".
Cơ quan quản lý bước đầu lý giải nguyên nhân gây ngập các tuyến đường đầu mùa mưa ở TP.HCM là do cường độ mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn; hệ thống cống cũ, xuống cấp, hiệu quả thoát nước kém. Bên cạnh đó, lượng rác thải trôi đã hạn chế khả năng thu nước vào hệ thống cống nên nước chảy tràn trên mặt đường...
Chung ý thức chống xả rác
Nhận xét về các nguyên nhân chính gây nên cảnh "cứ mưa là ngập", BĐ Minh Nghĩa nêu ý kiến: "Lưu lượng mưa thì có thể dự đoán được. Hệ thống cống thoát nước hay đập ngăn triều thì chính quyền vẫn đang làm. Riêng việc xả rác vô tội vạ làm nghẹt cống, bít kênh thì là câu chuyện ý thức của mỗi người dân. Chứ kêu ca chuyện cống nghẹt, nước mưa không thoát được mà mỗi ngày vẫn xả rác xuống kênh, xuống cống thì ai coi?".
Đa số ý kiến BĐ đều cho rằng nếu vẫn chưa giải quyết hiệu quả câu chuyện "nước mưa thoát về đâu" thì nỗi lo "trời mưa, đường ngập" sẽ còn tái diễn. BĐ Thanh Hiep Nguyen bức xúc: "Không chối bỏ công sức của chính quyền trong việc làm sạch kênh thoát nước, môi trường, nhưng duy trì kênh thoát nước và môi trường trong sạch cần phải có biện pháp liên tục. Có nên thiết lập hệ thống camera an ninh dọc các bờ kênh để ghi nhận, xử lý hành vi ném rác hay đổ nước bẩn xuống kênh? Ít nhất việc này cũng ngăn chặn được những người thiếu ý thức".
Tán thành, BĐ Quang Vu Xuan cho rằng: "Bên cạnh kêu gọi ý thức cộng đồng, nên có những tổ tuần tra liên tục, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm xả rác, nước bẩn xuống kênh, kết hợp hoạt động dọn rác thường kỳ của ngành chức năng thì các con kênh ở TP.HCM sẽ sạch lâu dài, bền vững".
Rất mệt mỏi, đề nghị xử lý dứt điểm tình trạng các công trình cống ngăn triều 10 năm nay vẫn chưa làm xong, rồi hãy tập trung làm các công trình khác.
Hoang Luu Linh
Cần tăng nặng hình phạt, chế tài đối với các hành vi xả rác, thả động vật phóng uế bừa bãi nơi công cộng. Ngay trên kênh Nhiêu Lộc, tôi thấy vẫn có người vô tư xả rác, thậm chí thả cả bao rác to xuống kênh. Nhà nước nên cấp quyền cho người dân trong việc giám sát, tố cáo, và cần thiết thì giữ những người xả rác, báo cơ quan chức năng.
Trường Lưu