Bà Vũ Thị Xuân (trú tại thôn Xuân Tràng, xã Đồng Than) cho biết, gia đình bà đã cấy lúa xong, nhưng hiện rất lo lắng vì nước nhiễm bẩn tràn vào ruộng. Lúa thì phải có nước, ruộng không thể để khô cạn, nhưng nguồn nước do trạm bơm Xuân Tràng bơm từ hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bơm vào kênh mương thì không thể dùng được; nước vào đến đâu, lúa lụi tàn, dẫn đến nguy cơ lúa bị chết.
Ông Phạm Văn Nam, Chủ tịch UBND xã Đồng Than, cho hay hiện trạm bơm Xuân Tràng đang phục vụ tưới tiêu cho khoảng 150 mẫu lúa, nước được lấy trực tiếp từ hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải. Thời gian vừa qua, nước bơm vào kênh mương có màu đen kịt, rất hôi thối, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, tưới tiêu cho cây trồng, đặc biệt là cây lúa.
Do toàn bộ nguồn nước được lấy từ Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải, nên không còn sự lựa chọn nào khác, khi ruộng khô hạn, trạm bơm bắt buộc phải bơm nước nhiễm bẩn vào đồng ruộng, dù biết rằng cho nước vào ruộng lúa sẽ chết nhưng để ruộng khô hạn lúa cũng sẽ chết.
Ngày 18.3, trao đổi với PV Báo Thanh Niên, ông Đặng Xuân Lương, Chủ tịch UBND H.Yên Mỹ, thông tin: "Ô nhiễm nguồn nước tại Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải đã là vấn nạn nhiều năm nay, công trình này hiện phục vụ tưới tiêu cho toàn bộ hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện. Hơn nữa, huyện chúng tôi nằm ở đầu nguồn của hệ thống này nên mức độ ô nhiễm càng trở nên nặng nề, nhất là xã Đồng Than.
Hiện nay, để tạm thời khắc phục việc nước nhiễm bẩn bơm vào đồng ruộng, tôi đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp cùng các trạm bơm trên toàn huyện dừng bơm nước. Nước ở Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải khi có mưa lớn cũng bớt mùi, bớt ô nhiễm, khi đó, các trạm bơm trên địa bàn sẽ được huy động để lấy nước phục vụ tưới tiêu".
Vẫn theo ông Lương, việc nước từ hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải bị ô nhiễm do nhiều nguyên nhân, có tới 60% là do nước thải sinh hoạt thải ra chưa được xử lý, còn lại là do hoạt động sản xuất công nghiệp.
Ông Lương cho hay, vừa qua, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chỉ đạo các bộ, ngành chức năng sớm xây dựng trạm bơm nước ở Xuân Quan (H.Văn Giang, Hưng Yên) để lấy nước từ sông Hồng, bơm vào hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải để dung hòa, giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước".
Cũng theo ông Lương, chính quyền địa phương đang thực hiện thí điểm xử lý nước thải sinh hoạt đầu nguồn ngay từ khu dân cư khi tiến hành xây dựng các trạm xử lý nước thải với quy mô 200 hộ dân trước khi xả thải ra môi trường.
"Ngoài ra, để hạn chế việc doanh nghiệp có hoạt động sản xuất nông nghiệp hoạt động xả trộm nước thải chưa qua xử lý ra môi trường, chúng tôi đã đề nghị lực lượng cảnh sát môi trường tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra với các doanh nghiệp về pháp lệnh bảo vệ môi trường", ông Lương thông tin thêm.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc một thời, và từng được gọi là Đại thủy nông Bắc Hưng Hải. Đây là hệ thống kênh, đập, trạm bơm, đê điều nhằm phục vụ việc tưới tiêu và thoát úng cho một vùng tứ giác nước được giới hạn bởi sông Hồng ở phía tây, sông Đuống ở phía bắc, sông Thái Bình ở phía đông và sông Luộc ở phía nam.
Mỗi tỉnh, thành Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên và Hải Dương đều có một phần địa bàn của mình trong tứ giác này. Vì thế, hệ thống thủy lợi này được đặt tên là Bắc Hưng Hải.
Hệ thống được xây dựng bắt đầu từ cuối năm 1958. Tổng chiều dài hệ thống kênh chính là 200 km. Khi hoàn thành vào ngày 1.5.1959, công trình này từng được coi là biểu tượng cho hoạt động sản xuất nông nghiệp ở miền Bắc, nhưng hiện nay đã trở thành "dòng sông chết".
Trước đó, ngày 8.8.2023, PV Báo Thanh Niên đã dự đưa tin buổi làm việc của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương với sự tham dự của đại tướng Tô Lâm. Tại đây, đại tướng Tô Lâm đã có ý kiến chỉ đạo tỉnh Hải Dương và Cục Cảnh sát môi trường phối hợp các bộ, ngành liên quan xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải.