Ông Hưng cho biết, Sở GTVT TP.HCM đang quản lý trên 1.000 camera giao thông, nhân viên theo dõi 24/24 giờ, dữ liệu từ hệ thống camera này được kết nối, tích hợp, chia sẻ cho lực lượng CSGT, công an các quận huyện phục vụ điều tiết, xử lý vi phạm giao thông.
Đối với hệ thống đèn tín hiệu giao thông (gọi tắt là đèn giao thông), hiện TP.HCM sử dụng nhiều nhất là loại điều khiển thủ công, một số đèn đời mới có thể điều khiển từ xa, phù hợp với tình hình giao thông.
Mới đây, Sở GTVT phối hợp với một đơn vị lắp đặt thí điểm đèn giao thông thông minh. Hệ thống này có gắn camera quét lưu lượng giao thông, tự động điều chỉnh tín hiệu theo thời gian thực. Hiện hệ thống này đang thí điểm ở ngã tư Hàng Xanh, sắp tới mở rộng thêm một số khu vực khác.
"Nếu áp dụng đại trà thì tiện dụng vô cùng. Các lực lượng chức năng như CSGT, thanh tra giao thông bớt phải ra hiện trường điều tiết, việc điều chỉnh tín hiệu đèn giao thông diễn ra tức thời, giảm được kẹt xe", ông Hưng đánh giá.
Đối với vận tải công cộng, Sở GTVT đang quản lý hơn 13.000 chuyến xe buýt mỗi ngày, vận hành hệ thống vé điện tử trên 38 tuyến xe buýt với 550 phương tiện.
Dự kiến, cuối năm nay, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đưa vào khai thác. TP.HCM đang nghiên cứu phương án thẻ vé dùng chung, người dân có thể dùng một thẻ để sử dụng xe buýt, metro và các phương tiện công cộng khác.
Dù đạt nhiều kết quả nhưng theo ông Hưng, Sở GTVT hiện vẫn gặp nhiều thách thức về thu hút nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư, nâng cấp hệ thống hiện hữu. Hiện lương sinh viên mới ra trường vào làm việc ở trung tâm giao thông công cộng khoảng 10 triệu đồng, thấp hơn so với mặt bằng chung. "Trước đây, trung tâm thu hút được nhiều bạn học ở nước ngoài về làm việc, nhưng được vài năm rồi họ cũng nghỉ", ông Hưng dẫn chứng.
Trao đổi tại tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM Võ Thị Trung Trinh, cho biết TP.HCM đang phối hợp Ngân hàng Thế giới tạo lập, hoàn chỉnh các lớp dữ liệu về đất đai, quy hoạch, giao thông, xây dựng, môi trường... Mục tiêu mà TP.HCM đặt ra là đến năm 2030 sẽ hoàn thiện, tích hợp và đồng bộ. Khi dữ liệu được chia sẻ, hoạt động điều hành của chính quyền hoặc công chức xử lý công vụ sẽ thuận tiện hơn.
PGS-TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu giao thông vận tải Việt Đức, cho rằng đèn đường thông minh, tra cứu đường thông minh, vé xe buýt điện tử, nắm bắt thông tin ùn tắc giao thông trên mạng chỉ là những ứng dụng nhỏ trong giao thông thông minh.
Về bản chất, giao thông thông minh không phải công nghệ mà là một cách tiếp cận để thúc đẩy giao thông phát triển bền vững, kết nối liền mạch các phương thức giao thông, giúp việc vận chuyển con người và hàng hóa an toàn.
Trao giải cuộc thi Lắng nghe người dân hiến kế cho 6 tác giả
Cũng trong sáng 19.9, Báo Người Lao Động tổ chức trao giải cuộc thi "Lắng nghe người dân hiến kế" lần thứ 5. Cuộc thi lần này không có giải nhất.
Ban tổ chức trao 2 giải nhì cho nhóm tác giả Lê Dương Lâm và cộng sự (tác phẩm Quy hoạch đô thị trí tuệ nhân tạo) và nhóm tác giả Nguyễn Hoàng Bình - Bùi Duy Tùng (tác phẩm Nâng cấp môi trường kinh doanh theo mô hình mới).
Hai giải ba thuộc về tác giả Nguyễn Cao Siêng (tác phẩm Giải pháp cải thiện môi trường đầu tư) và tác giả Trương Nam Thuận (tác phẩm Thu hút đầu tư bằng công ty dịch vụ công).
Hai giải khuyến khích được trao cho tác giả Nguyễn Văn Quang (tác phẩm Tối ưu hóa các giải pháp chống ngập) và tác giả Vân Thanh (tác phẩm Đột phá trong khâu khám chữa bệnh).